Những điều nên biết về khoảng trắng trong thiết kế
Trong thiết kế đồ họa, hình ảnh, chi tiết, chữ là những yếu tố quan trọng, nhưng khoảng trắng cũng đóng vai trò quan trọng không kém để làm nên thiết kế.
Khoảng trắng hay còn gọi là “không gian âm”, là khoảng trống giữa và xung quanh các đối tượng của một bản thiết kế. Nó là khoảng không gian hiện hữu, thường là ở phía sau và xung quanh hình, trong một tác phẩm nghệ thuật hoặc thiết kế đồ họa. Các phần tử khoảng trắng trong các thiết kế đồ hoạ là:
>> Xem thêm: Những nguyên tắc “bất biến” cho một thiết kế thương hiệu
- Khoảng cách của các đối tượng (Margin, Padding và Gutter)
- Không gian trống xung quanh hình ảnh và đối tượng đồ họa
- Khoảng cách giữa các dòng và chữ trong nội dung văn bản
Mặc dù một số người có thể coi khoảng trắng là một sự lãng phí, nhưng trên thực tế, khoảng trắng là một yếu tố thiết yếu trong một thiết kế. Nó có giá trị trong việc:
Cải thiện khả năng đọc văn bản
Đây là vai trò quan trọng nhất của những khoảng trắng trong thiết kế. Nó ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận thông tin người xem. Khoảng trắng có thể làm cho việc đọc dễ dàng hơn bằng cách giảm số lượng chữ khi xem trong một lần liếc mắt. Việc thiếu khoảng trống có thể làm cho người xem không muốn đọc nội dung.
Khoảng trắng khi được sử dụng đúng cách đã được chứng minh là làm tăng sự tiếp thu nội dung lên đến 20%. Điều quan trọng cần ghi nhớ khi tối ưu hoá nội dung văn bản bằng khoảng trắng là việc căn lề đoạn và khoảng cách dòng (khoảng cách giữa mỗi dòng trong văn bản).
>> Xem thêm: Thiết kế hình ảnh thương hiệu: Khoảng trắng vừa đủ
Phân nhóm rõ ràng
Khi các yếu tố khác nhau được đặt gần nhau, chúng được coi là thuộc cùng một nhóm. Ví dụ, đôi mắt của chúng ta biết cách phân chia khoảng cách giữa hai chữ cái một cách thích hợp để phân biệt những chữ cái nào tạo thành từng từ trong 1 câu. Chính vì thế mà khi khoảng trống quá nhiều giữa các chữ cái có thể gây ra sự khó hiểu.
Quy luật của Gestalt chỉ ra rằng những đồ vật gần nhau sẽ xuất hiện như một “đơn vị” và không gian trắng hoạt động như một cái nhìn trực quan.
Đối với một bản thiết kế, chúng ta có thể áp dụng nó để thể hiện các đơn vị cùng nhóm. Ví dụ: Bạn nên đặt nhãn gần các trường có liên quan để tạo ra một đối tượng. Khi nhãn được đặt gần các trường này sẽ làm cho mối quan hệ giữa chúng rõ ràng hơn với người xem.
Thu hút sự chú ý
Nhiều nhà thiết kế nhận định rằng, có thể sử dụng khoảng trắng để truyền đạt những gì quan trọng nhất trong nháy mắt. Có một mối quan hệ giữa khoảng cách và sự chú ý, đó là khoảng cách càng lớn thì sự chú ý càng nhiều.
Bởi việc thiếu các yếu tố khác sẽ chỉ làm cho các yếu tố hiện tại nổi bật hơn. Điều này có nghĩa là bạn có thể sử dụng một khoảng trắng để tạo thuận lợi cho mình.
Cân bằng khoảng trắng
Một nhà thiết kế từng nhận định rằng: “Khi khoảng trắng được sử dụng phù hợp, nó cho phép một trang tạo ra một dòng chảy và cân bằng chung, từ đó giúp truyền đạt ý định của thiết kế. Khoảng trắng có thể hỗ trợ hệ thống phân cấp tổng thể. Nó tạo ra sự đối xứng hoặc bất đối xứng”.
Chính vì những giá trị mà bạn thấy khoảng trắng có thể mang đến cho bản thiết kế, mà khoảng trắng không phải là không gian lãng phí. Thay vào đó, nó là một công cụ thiết kế mạnh mẽ. Bạn có thể vận dụng nó một cách sáng tạo để tạo ra những điểm nhấn cho thiết kế của mình.