Nokia - thương hiệu hy vọng vào ngày mai không tàn lụi
Đối với rất nhiều tín đồ công nghệ trên toàn cầu, bất kể màu da hay ngôn ngữ, thì khẩu hiệu “Kết nối mọi người” của công ty Nokia (Phần Lan) đã trở thành một câu nói cửa miệng trong gần 20 năm qua, và các dòng sản phẩm mang thương hiệu điện thoại di động nổi tiếng hàng đầu này nghiễm nhiên là “vật bất ly thân” đối với họ.
Sai một ly …
Với khả năng thích ứng cao trước biến động thị trường, Nokia trong thập niên 1990 đã chuyển chiến lược tập trung sản xuất điện thoại di động và dẫn đầu cuộc cách mạng không dây khi đó. Với lợi nhuận thu về tăng theo cấp số nhân, giá trị vốn hóa thị trường của Nokia đã vọt lên mức đỉnh điểm 303 tỷ euro vào năm 2000.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, thị phần điện thoại di động của Nokia đã đạt tới 40,4% cuối năm 2007.
Tuy vậy, khi làn sóng điện thoại thông minh bắt đầu xuất hiện trên toàn cầu, Nokia đã không có sự chuyển hướng kịp thời và vẫn tiếp tục sản xuất điện thoại thường thay vì đưa ra những sản phẩm đột phá. Năm 2012 là một kỷ niệm đáng quên với Nokia, khi mất vị trí hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới trong 14 năm liên tục vào tay “đại kình địch” Samsung (Hàn Quốc), trong khi các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ khác giành mất thị phần của hãng tại các thị trường mới nổi.
Theo các nhà phân tích, dù vẫn chịu chi hàng tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, song sự thiếu quyết đoán trong chiến lược kinh doanh, cùng với những bất đồng nội bộ, chính là nguyên nhân Nokia dần dần rớt lại phía sau các đối thủ trên thị trường công nghệ luôn có tốc độ phát triển tính bằng giây.
Một chi tiết đáng chú ý mà đến nay mọi người vẫn nhắc tới là phần cứng của mẫu điện thoại N8 mà Nokia tung ra hồi năm 2010 không hề thua kém bao nhiêu so với các dòng điện thoại thông minh hiện nay song chỉ hơi tiếc là nền tảng phần cứng chưa hoàn thiện và hệ điều hành còn chưa phát triển vào thời điểm đó.
Năm 2014, Nokia đã phải thực hiện một thương vụ không mong muốn khi bán toàn bộ bộ phận sản xuất điện thoại với giá 7,2 tỷ USD cho công ty chế tạo phần mềm máy tính Microsoft và chỉ giữ lại mảng kinh doanh dịch vụ.
“Lợi hại gấp đôi”?
Sau khi Microsoft quyết định bỏ thương hiệu điện thoại thông minh Nokia và thay thế bằng chính thương hiệu của Microsoft thì gần đây xuất hiện thông tin cho rằng Nokia sẽ trở lại thị trường điện thoại thông minh bằng các sản phẩm mang thương hiệu của chính hãng. Điều này đã nhen nhóm hy vọng cho những người vẫn còn “nặng tình” với Nokia.
Trước thông tin trên, Giám đốc điều hành Rajeev Suri cho hay Nokia sẽ “không trực tiếp quay trở lại thị trường nhưng thương hiệu điện thoại di động Nokia vẫn rất mạnh và sẽ nghiên cứu khả năng cấp quyền sử dụng thương hiệu.”
Trong khi đó, với việc tung ra mẫu máy tính bảng N1 sử dụng phần mềm Android sau khi thương vụ với Microsoft, Nokia cho thấy sẽ không dễ dàng “buông súng” khi chuyển hướng sang các thiết bị di động khác cũng đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ngoài điện thoại.
Giám đốc điều hành Rajeev Suri cho hay Nokia sẽ “không trực tiếp quay trở lại thị trường
nhưng thương hiệu điện thoại di động Nokia vẫn rất mạnh và sẽ nghiên cứu khả năng cấp
quyền sử dụng thương hiệu.”
Theo thỏa thuận hợp tác, Nokia sẽ đảm nhận khâu thiết kế của N1 trong khi đối tác Foxconn sẽ chịu trách nhiệm về các mảng còn lại.
Một số ý kiến khác cho rằng Nokia có thể tiếp bước Samsung, HTC và Motorola tham gia sản xuất các thiết bị di động sử dụng phần mềm Android. Tuy vậy, theo Nokia, đây chỉ là bước đi ngắn hạn và hãng vẫn cần có chiến lược dài hạn để có thể phát triển bền vững và khôi phục vị thế đã mất.
Nhìn chung, các chuyên gia nhận định khả năng một ngày nào đó Nokia sẽ quay lại thị trường điện thoại thông minh không phải là không có khi hãng vẫn sở hữu một thương hiệu phổ biến toàn cầu và đội ngũ nhân sự rất “chất.”
Tuy vậy, liệu đây có phải sự trở lại “lợi hại gấp đôi” hay không?
Các dự đoán về tương lai của Nokia là khá khác nhau song tất cả đều có chung một điểm là năm 2015 sẽ mở một trang mới trong lịch sử của một thương hiệu điện thoại từng một thời làm say đắm các tín đồ công nghệ.
Việt Nam Plus