Nâng tầm thương hiệu có khó như bạn nghĩ?
Đã bao giờ bạn cảm thấy bế tắc trong việc đánh giá các kế hoạch xây dựng thương hiệu của đội ngũ sáng tạo tại công ty? Hãy luôn ghi nhớ những bí quyết sau để có thể suy nghĩ thông suốt và đưa ra quyết định một cách khôn ngoan nhất.
Bất cứ một chuyên gia sáng tạo nào muốn nâng tầm thương hiệu cũng phải thuộc lòng những câu hỏi sau, để có thể định hướng thương hiệu của mình một cách đúng đắn. Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ không hề phức tạp như bạn tưởng.
Thông điệp của thương hiệu có rõ ràng và dễ hiểu?
Điều này có vẻ rất cơ bản, nhưng để các khách hàng có thể đọc và hiểu được thương hiệu của bạn một cách dễ dàng lại không phải là một chuyện đơn giản. Chưa xét đến nội dung, hãy nói về hình thức trước đã.
Ví dụ khi viết thông điệp của nhãn hàng lên một tấm banner, điều quan trọng không phải các tấm biển quảng cáo đó rực rỡ hay nổi bật như thế nào, mà là dòng chữ thể hiện nội dung có dễ nhìn và gây được chú ý hay không. Đôi khi việc lạm dụng màu sắc hay các thiết kế rườm rà vô hình chung khiến cho thông điệp của bạn bị chìm nghỉm, do đó chẳng có mấy ai quan tâm.
Chính vì vậy, đừng ngần ngại lên tiếng nếu chính bạn cũng không dễ dàng đọc được nội dung trong các thiết kế của phòng sáng tạo, bất chấp việc họ ca ngợi đó là những tấm banner, poster nghệ thuật đến mức nào.
Nếu bản thân những người trong công ty còn không thể nhìn và đọc được thông điệp, thì đừng trông chờ những người đi đường đang tất bật với công việc riêng của họ có thể dành thời gian chú ý đến chúng, và đây chắc chắn không phải là một cách xây dựng thương hiệu tốt. Khách hàng của bạn không có thời gian và họ chưa cảm thấy lợi ích gì khi phải đứng lại, cố mở to mắt để nhìn thấy một dòng chữ nào đó.
Rõ ràng và dễ hiểu chính là hai nguyên tắc tiên quyết.
Thương hiệu của bạn đã có điểm nhấn đặc trưng?
Câu trả lời là có khi nếu ẩn các biểu tượng và tên đi nhưng khách hàng vẫn nhận ra đó sản phẩm của bạn. Ví dụ: Apple được nhận ra bởi bất cứ ai dù họ không nhìn biểu tượng trái táo cắn dở nhờ vào thiết kế khác biệt của hãng, hay các cửa hàng Victoria Secret tạo nét nổi bật với sự tương phản mạnh giữa màu đen và màu hồng trong hình ảnh của mình, khiến khách hàng không thể nhầm lẫn.
Một lần nữa, dù rất đơn giản, nhưng điều này thường bị bỏ qua bởi các nhân viên marketing rất dễ sa đà vào những thứ mà họ thích, chứ không tâm xem màu sắc, kiểu dáng hay thậm chí mùi hương có tạo được dấu ấn sâu sắc hay không?
Tên và logo nhãn hàng đã dễ nhớ hay chưa?
Amazon là ví dụ điển hình cho một cái tên đáng nhớ. Hình ảnh ông già râu bạc của KFC hay mái nhà đỏ nổi bật của Pizza Hut đều gây được chú ý. Tên thương hiệu độc đáo và hình ảnh biểu tượng khác biệt dễ dàng in sâu vào tâm trí mọi người, tuy nhiên đừng thái quá nếu không muốn bị phản tác dụng.
Khiến khách hàng ghi nhớ tên nhãn hiệu là một công việc đòi hỏi tính sáng tạo cũng như khả năng thấu hiểu tâm lý mọi người.
Bạn có bị “lay động” bởi chính thương hiệu của mình?
Giáo sư trường kinh doanh Wharton, ông Jonah Berger cho biết “Cảm xúc hướng mọi người đến hành động.” Cho dù các thương hiệu làm cho chúng ta cười, la hét hay khóc lóc thì đều có nghĩa họ đã thành công và sẽ tận dụng điều đó để khiến chúng ta mua hàng.
Đây có thể coi là tiêu chí khó khăn nhất để đạt được nhưng sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Điển hình, hãng Tropicana Orange Juice là một ví dụ về việc xây dựng thương hiệu đầy sáng tạo, khi họ đã thay đổi logo của mình để truyền tới khách hàng một cảm xúc mãnh liệt về sản phẩm của mình. Kết quả họ đã có thêm một lượng lớn người tiêu dùng – những người quyết định thử dùng sau khi cảm thấy hứng thú với biểu tượng mới của hãng.
Hãy rõ ràng, nổi bật, đáng nhớ và đầy cảm hứng, tất cả những điều đó sẽ giúp bạn nâng tầm và duy trì được giá trị thương hiệu của mình.