Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Giá trị thẩm mỹ của chất liệu trong thiết kế bao bì

Ngày nay, các loại hình nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thiết kế đồ họa của con người nói riêng đã có những bước tiến dài, những thành tựu đáng kể, như nghệ thuật hội họa sản sinh ra nhiều trường phái, phong cách, bút pháp thể hiện và với nhiều loại chất liệu khác nhau, hay trong nghệ thuật thiết kế đồ họa đã có rất nhiều kỹ thuật, phương pháp, ứng dụng thiết kế mẫu mã rất hiện đại và đa dạng. Tuy nhiên ở bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, dù hội họa hay thiết kế, trường phái hay phong cách, kỹ thuật hay chất liệu nào thì nghệ sĩ sáng tạo đều cần vận dụng những yếu tố tạo hình để tạo ra tác phẩm. Ngoài yếu tố cơ bản như đường nét, hình mảng, màu sắc, hình khối, không gian, vấn đề chất liệu và tính thẩm mỹ của chúng là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Đặc điểm của chất liệu

Chất liệu là chất hoặc hợp chất được con người dùng để làm ra những sản phẩm khác. Chất liệu là hữu hình, chúng có thể tạo cảm giác cho con người khi chạm vào trực tiếp. Trên khía cạnh của mỹ thuật, chất liệu là một yếu tố của nghệ thuật tạo hình, thể hiện sự mềm mại, mượt mà, hay thô ráp, rắn rỏi… Ví dụ, kính thể hiện sự trong suốt, gạch trần thể hiện sự thô nhám, mộc mạc. Bê tông thể hiện sự khô cứng. Khi quan sát bằng mắt, con người có thể tự nhận biết được xúc cảm, cảm giác do hiệu ứng của chất liệu hay việc tạo bề mặt chất mang lại, đó gọi là chất cảm.

“Chất cảm là cảm nhận về xúc giác đối với bề mặt những chất liệu” (1). Trong nghệ thuật thiết kế ứng dụng, nó được thể hiện qua cảm thụ thị giác liên quan tới những trải nghiệm sẵn có của con người về chất liệu khi quan sát một tác phẩm, đôi khi là xúc giác thông qua cảm giác trong lúc sờ, cầm, nắm… sự vật.

Giá trị thẩm mỹ của chất liệu trong thiết kế bao bì

Chất liệu có hai loại là chất liệu thực và chất liệu thị giác (chất liệu ảo). Chất liệu thực đề cập đến cảm giác xúc giác thực sự của con người khi nhìn thấy hoặc trực tiếp cảm thấy từ một vật có thật, như gỗ, đá, thủy tinh, kim loại, giấy… Chất liệu thị giác biểu hiện thông qua các hình thức mô phỏng, cách điệu và sáng tạo chất bằng nhiều hình thức, trên nhiều bề mặt vật liệu và kỹ thuật khác nhau. Nghệ sĩ có thể tạo ra hình ảnh ảo về các chất liệu bằng nhiều kỹ thuật và thủ pháp tạo chất, diễn chất trong nghệ thuật thiết kế, in ấn… Các biểu hiện của chất liệu được sử dụng nhiều theo quy luật, lặp lại trong nhiều tác phẩm sẽ tạo thành phong cách, bút pháp đặc trưng, nó thể hiện sự sáng tạo của nghệ sĩ hoặc sẽ tạo thành một yếu tố nhận diện thương hiệu đối với thiết kế đồ họa.

Trong lĩnh vực thiết kế đồ họa in ấn, thiết kế bao bì là cung cấp hình thức mới cho sự vật bằng kỹ thuật có tính sáng tạo cao. Hình thức ở đây cụ thể là yếu tố thẩm mỹ, tạo vẻ đẹp cho lớp vỏ của sản phẩm bằng các yếu tố của nghệ thuật tạo hình như chất liệu, cấu trúc, kiểu dáng, cách trình bày, hình ảnh, màu sắc, chữ… sao cho đạt được sự hài hòa về công năng và thẩm mỹ. Tạo được sự thoải mái, tiện dụng, làm phong phú đời sống con người. Thiết kế bao bì còn nhằm mục đích truyền tải thông tin sản phẩm, kích thích tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa. Thiết kế bao bì là sự kết hợp hài hòa của các lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật.

thiết kế bao bì là cung cấp hình thức mới cho sự vật bằng kỹ thuật có tính sáng tạo cao

Vật liệu thực của bao bì có nhiều loại phổ biến như giấy tráng kim, giấy mỹ thuật,giấy bìa cứng, bìa gợn sóng (carton sóng),… Bên cạnh đó, các chất liệu thủy tinh,thép hoặc thép tráng thiếc, nhôm,gốm, các loại plastic nhựa nhiệt dẻo,và màng ghép nhiều loại vật liệu (hay còn gọi là nilon) cũng được sử dụng rất nhiều…Nguyên vật liệu rất quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm cũng như công ty sản xuất, thúc đẩy nhận thức và tình cảm của khách hàng đối với sản phẩm. Điều đó thể hiện qua hình thức mỹ thuật của bao bì và cảm giác khi được cầm trực tiếp sản phẩm trên tay. Các biểu hiện bề mặt như mềm mại, mịn màng, trơn láng, hay sần sùi, cứng cáp… của chất liệu đều đem lại ấn tượng cho người sử dụng. Đôi khi, các nhà thiết kế tìm tòi sử dụng chất liệu mới hoặc kết hợp các chất liệu với nhau bằng thủ pháp tương phản trên bề mặt chất, tạo hiệu ứng thị giác vô cùng bắt mắt, hấp dẫn, thích thú, thậm chí là mê hoặc cho người đối diện

Nếu như thời xa xưa, vật liệu hay chất liệu để làm bao bì chỉ là da thú, giấy thô, lá cây, gốm sứ, thùng gỗ đơn thuần… hoặc được bọc gói một cách đơn giản, thì ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã cho ra đời hàng loạt chất liệu mới, thậm chí vẫn các chất liệu quen thuộc nhưng kỹ thuật chế tạo mới, cấu trúc mới đã tạo hiệu quả về công năng, thẩm mỹ cũng như về kinh tế, đáp ứng nhiều nhu cầu của con người. Các chất liệu dùng trong thiết kế bao bì sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng về mẫu mã, độc đáo về hình dáng, sáng tạo, sang trọng trong thiết kế. Tùy thuộc vào tính chất vật lý, công năng, đối tượng sử dụng, tính kinh tế, thị trường tiêu thụ của sản phẩm, và yếu tố thân thiện với môi trường của chất liệu bao bì… mà nhà sản xuất và nhà thiết kế sẽ lựa chọn hoặc kết hợp chất liệu sao cho phù hợp. Trong quá trình thiết kế đồ họa, bao bì sản phẩm, vai trò của nhà thiết kế cũng được đánh giá cao bởi những ý tưởng sáng tạo, những kinh nghiệm, hiểu biết của họ trong việc lựa chọn, kết hợp, xử lý chất liệu sao cho vừa đạt hiệu quả thẩm mỹ mà vẫn đảm bảo các yếu cầu về an toàn, kinh tế…

Ngoài việc dùng chất liệu thực thì phương thức dùng các thủ pháp kỹ thuật để tạo chất liệu cũng rất được ưa chuộng, đó là chất liệu thị giác. Chất liệu thị giác là khái niệm đặc trưng thị giác của một bề mặt hoặc vật, tuy không có thực, là dạng chất liệu ảo nhưng cũng cho chúng ta cảm giác nhất định về chất liệu qua cách sắp xếp, bố cục của nhà thiết kế, qua cách diễn tả của nghệ sĩ. Chất liệu thị giác có thể thấy dưới ba hình thức: chất liệu mô phỏng, chất liệu cách điệu (hay ẩn dụ) và chất liệu sáng tạo.

Đầu tiên, chất liệu mô phỏng là hiệu quả được tạo ra từ phương pháp chụp bề mặt chất liệu rồi in lại lên trên sản phẩm nhằm mô phỏng theo chất liệu thực (đối với thiết kế đồ họa bao bì, bìa sách, poster…), tạo hiệu quả rất sinh động, lạ mắt, nhìn như bao bì được làm bằng chính chất liệu đó vậy.

Bên cạnh đó, chất liệu cách điệu được các nhà thiết kế, họa sĩ hiện đại sử dụng nhiều nhất. “Thay vì mô tả một cách chính xác đến từng cấu trúc, chi tiết của vật liệu nguyên gốc, họ đơn giản hóa chúng và chỉ giữ lại một số điểm đặc trưng nhất của đối tượng” (2). Tuy vậy, ngay cả những điểm đặc trưng đó cũng được các nghệ sĩ biến báo ở một mức độ nhất định, cường điệu hoặc thể hiện dưới hình thức trái với thông thường để chuyển tải ý đồ tư duy, tư tưởng, sáng tạo của họ.Trong một mẫu thiết kế bao bì kẹo, bánh, nhà thiết kế đã sử dụng họa tiết cách điệu từ các loại quả thực để làm phần đồ họa cho bao bì sản phẩm. Để khi nhìn vào sản phẩm là người tiêu dùng có thể nhận ra ngay chiếc kẹo đó được làm từ hương vị gì, đồng thời vẫn đảm bảo yếu tố sáng tạo và tính thẩm mỹ.

Sau cùng, chất liệu sáng tạo là những chất liệu không có nguồn gốc trong thực tế (kể cả cách điệu từ chất liệu thật) mà nó được nghệ sĩ làm ra từ ý tưởng của họ. Trong nghệ thuật thiết kế, chất liệu sáng tạo được thể hiện bằng các yếu tố đường, nét, mảng, màu sắc để tạo sự khác biệt với bề mặt phẳng, nhằm tạo sự tương phản, sáng tạo, thể hiện ẩn ý trong thiết kế, nhưng nhìn tổng thể, mẫu thiết kế vẫn cho ta cảm giác không bằng phẳng trên bề mặt. Ví dụ, mẫu thiết kế bao bì sử dụng nét và mảng chữ chuyển hóa thành chất liệu được in trên nền giấy xám thô, hoặc mẫu thiết kế bao bì và nhãn rượu sử dụng các mảng màu, nét trắng tạo thành một dạng chất liệu mới, rất sáng tạo.

thiết kế bao bì ebisu tỏi đen

Bên cạnh đó, trong nghệ thuật thiết kế đồ họa, điêu khắc, trang trí, hoa văn là một ngôn ngữ rất được ưa chuộng. Hoa văn, hay gọi cách khác là họa tiết, sử dụng các cấu trúc đường nét, hình mảng, màu sắc kết hợp, khi là từ các dạng hình cơ bản, khi thì là các họa tiết, hình có nghĩa. Tính chất cơ bản của hoa văn là sự lặp đi lặp lại đều đặn của cấu trúc hình thức, nếu không thì cũng là sự dàn trải rộng trên mặt phẳng của các nét mảng chi tiết. Chính điều này đã làm cho hoa văn có sự giao thoa nhất định với chất liệu, đặc biệt là chất liệu ở dạng cách điệu. Ví dụ tiêu biểu như là một số mẫu bao bì có họa tiết cách điệu từ hoa lá, rồng, mây.

Tuy nhiên hoa văn khác với chất liệu ở chỗ, hoa văn có thể trở thành chất liệu thị giác nhưng ngược lại chất liệu lại có lúc không trở thành hoa văn. Đó là bởi vì hoa văn là một yếu tố độc lập với cảm giác, xúc giác của con người. Hoa văn được làm ra để trang trí, để làm phong phú thêm thiết kế, do đó hình thức của nó có lúc không gợi lại bất kỳ bề mặt chất liệu nào. Chúng có thể là những hình mẫu tự nhiên như lá cây, bông hoa, và các hình học cơ bản… Hiệu quả của nó thường là trang trí bề mặt chứ không phải chất liệu.

Tính biểu cảm của chất liệu

Mỗi chất liệu thực như gỗ, đá, nhựa, ni lông, thủy tinh, kim loại… có những biểu cảm và thẩm mỹ khác nhau. Đồng thời các chất liệu thị giác, bằng cách sử dụng hình, mảng, nét, đường, chấm, màu sắc… hay các chất liệu mô phỏng, cách điệu, sáng tạo cũng có những yếu tố mang lại tính thẩm mỹ nhất định. Bên cạnh đó, việc phối chất, tạo chất dựa trên các biện pháp tương phản về màu sắc hoặc bề mặt sần, nhẵn của chất liệu, tính phản quang của chất cũng tạo nhiều hiệu ứng thị giác phong phú và bắt mắt.

Thủy tinh có vị trí quan trọng trong các chất liệu làm bao bì bởi vẻ đẹp duyên dáng, tính đa năng, không gây độc hại cho môi trường, có thể dễ dàng tái chế. Thủy tinh với ưu điểm là dễ dàng tạo nhiều hình dáng, cấu trúc đa dạng, dễ tạo các chi tiết thay đổi bề mặt như trơn nhẵn hoặc lồi lõm, gân nổi, chấm nổi… Vẻ đẹp của thủy tinh đã góp phần tạo giá trị nghệ thuật cho thiết kế. Đồng thời màu sắc của thủy tinh rất phong phú khiến chất liệu này có vẻ đẹp mê mẩn, quyến rũ bất kỳ ai. Những ưu điểm này cộng với yếu tố thiết kế đồ họa tốt sẽ giúp thủy tinh có thể bộc lộ hết ưu điểm thẩm mỹ của chất liệu. Giá trị thẩm mỹ của thủy tinh là sự lộng lẫy, lấp lánh, rực rỡ, trong suốt, gợi cảm, mang lại khả năng ứng dụng đa dạng.

Thiết kế bao bì Rượu Tằm Xứ Quảng

Chất liệu kim loại lại có giá trị thẩm mỹ đặc biệt khác, được thể hiện ở sự phản xạ ánh sáng mạnh mẽ làm cho bao bì có vẻ sáng bóng, rực rỡ ánh kim, mang vẻ đẹp khỏe khoắn, hiện đại.

Một số chất liệu phổ thông như nhựa (polymer, plastic) cũng có giá trị thẩm mỹ và vẻ đẹp riêng, mượt mà, trong trẻo, nhẹ nhàng, đôi khi là mờ ảo. Các chất liệu giấy với bề mặt nhẵn, bóng, nhám, sần, xước, kẻ… rất phong phú, khá dễ tạo khuôn, kiểu, rất đa dụng, phù hợp với nhiều chủng loại sản phẩm. Chất liệu giấy cho ta cảm giác mộc mạc, nhưng cũng dễ tạo sự sang trọng nhờ yếu tố thiết kế đồ họa. Ngoài những vật liệu phổ thông trên thì ngày nay, với khả năng sáng tạo cao và công nghệ mới, nhiều loại chất liệu mới cũng được đưa vào để làm bao bì như các loại vải đay, sợi thô, vải nỉ lông…

Mỗi loại chất liệu đều có những ưu điểm, giá trị gợi cảm riêng. Nhưng chúng còn tạo hiệu ứng đặc biệt và tính thẩm mỹ sáng tạo cao hơn nữa khi được phối kết hợp với nhau; sự thay đổi chất và bề mặt chất tạo tương phản mạnh mẽ, thu hút thị giác vàvô cùng hấp dẫn. Tương phản vốn là một thủ pháp nghệ thuật giúp tạo điểm nhấn, làm sinh động, phong phú cho tác phẩm thiết kế.

Một mẫu thiết kế chai rượu vang danh tiếng Mouton Cadet là sự kết hợp giữa chất liệu bông, xốp, kín của vải lông với chất liệu trơn, bóng, trong suốt của thủy tinh tạo lên hiệu quả tương phản, hấp dẫn và thú vị, thu hút thị giác, rất mới lạ. Sự tương phản giữa sần với nhẵn trong chất liệu đã tạo giá trị nghệ thuật cho thiết kế. Việc lựa chọn chất liệu đó thể hiện sự sáng tạo của nhà thiết kế, kết hợp với màu sắc đã mang lại vẻ sang trọng, cao cấp cho sản phẩm.

Một mẫu thiết kế chai rượu Moet cũng cho thấy tài năng của nghệ sĩ thiết kế trong việc tận dụng đặc tính chất liệu thủy tinh. Cũng là chai rượu thủy tinh nhưng điểm nhấn và thủ pháp nghệ thuật ở đây là tương phản mạnh mẽ của sắc độ đen và trắng, đồng thời là tương phản về tính chất vật liệu. Cụ thể, màu đen và tính chất đục, mờ (không bóng) của vỏ chai tương phản với sắc độ sáng trắng, tính chất trong và lấp lánh của những viên đá quý gắn trên thân chai. Đồng thời, những viên đá được gắn theo trật tự, hàng lối, tạo thành một bề mặt sần, hiệu quả trang trí rất cao, tạo giá trị thẩm mỹ là sự sang trọng, tinh tế, đẳng cấp.

Ngược lại, mẫu bao bì đựng ngũ cốc tuy rất bình dân nhưng cũng rất sáng tạo trong cách sử dụng chất liệu nylon trong suốt phối kết với chất liệu giấy, khiến ta nhìn được trực tiếp những hạt ngũ cốc. Theo tác giả, đó là một cách sử dụng chất liệu tạo hiệu quả thẩm mỹ rất tốt, thu hút thị giác, tạo sự tương phản sắc độ, màu sắc, bề mặt nhẵn của giấy với sự sần sùi của ngũ cốc, thể hiện qua cách sử dụng chất liệu mô phỏng trên nhãn. Lúc này yếu tố chất liệu là bắt mắt nhất, dễ dàng truyền tải nội dung, ý tưởng của thiết kế.

Như vậy với bao bì, vai trò và giá trị của chất liệu là vô cùng to lớn. Đầu tiên, vai trò của chất liệu là cấu thành nên sản phẩm, chất liệu ảnh hưởng rất nhiều tới thiết kế và yếu tố sáng tạo, chi phối hình thức của bao bì. Mỗi loại chất liệu khác nhau sẽ cho hiệu quả thị giác và thẩm mỹ khác nhau, đồng thời nó phụ thuộc vào các phương thức, công cụ, kỹ thuật sản xuất, in ấn và ngược lại. Bao bì chứa đựng các loại thực phẩm khác nhau sẽ khác về cấu trúc, đặc tính vật liệu. Do đó, nhà thiết kế cũng phải nghiên cứu các yếu tố liên quan đến kỹ thuật sản xuất đó để sáng tạo ý tưởng, thiết kế mẫu sao cho phù hợp với yêu cầu, nội dung và mục đích của sản phẩm. Chất liệu sử dụng phải nhất quán về hình thức, phong cách, yêu cầu chung trong hệ thống nhận diện thương hiệu.

Chất liệu còn là một trong những thủ pháp để tạo điểm nhấn, tạo sự nổi bật, bắt mắt người tiêu dùng, thể hiện khả năng sáng tạo của nhà thiết kế. Chất liệu cũng đồng thời chuyển tải nội dung, ý nghĩa, đẳng cấp của sản phẩm. Ví như bao bì mỹ phẩm sẽ có phong cách, chất liệu khác với bao bì sản phẩm phụ tùng xe đạp, bao bì sản phẩm trang sức cao cấp sẽ khác bao bì của đồ thực phẩm thông thường… Chất liệu sử dụng trong thiết kế cũng phải phù hợp với việc trưng bày, bán, và tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với lợi ích kinh tế trong sản xuất, tiện lợi khi sử dụng, thân thiện với môi trường và tạo cảm nhận tốt cho khách hàng khi họ được tiếp xúc trực tiếp.

Như vậy, chất liệu vừa là thuộc tính, vừa là ngôn ngữ đặc trưng trong hình thức thẩm mỹ của bao bì, là yếu tố quan trọng số một trong thiết kế bao bì. Giá trị thẩm mỹ của chất liệu trong nghệ thuật mang lại xúc cảm cho các tác phẩm nghệ thuật, mang lại sự hài hòa trong sự tương phản, tạo được điểm nhấn, gửi gắm các giá trị nghệ thuật, ý tưởng của các nhà thiết kế.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : KIẾN THỊ HUỆ

Bài viết khác