Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Doanh nghiệp nhựa thua vì thiếu thương hiệu mạnh

Đánh bật được các sản phẩm nhựa Trung Quốc, Thái Lan… nhưng doanh nghiệp nhựa tiêu dùng Việt Nam đang hụt hơi trong phân khúc cao cấp.

Theo báo cáo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay các sản phẩm nhựa gia dụng được sản xuất trong nước đã chiếm ưu thế so với các sản phẩm nhựa nhập khẩu, tuy nhiên về hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp trong nước lại có phần kém hơn.

Phân khúc cao cấp: ít nên chê?

Ít ai ngờ trong một thời gian ngắn, một thương hiệu đồ dùng gia đình của Hàn Quốc được xác định cao cấp, bày bán trong các cửa hàng độc lập, trung tâm thương mại sang trọng đã có thể xuất hiện tràn ngập trên quầy kệ các siêu thị, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Việt Nam. Chị Kim Anh, quản lý một nhà hàng tại quận 1, TP.HCM cho biết, điểm đáng lưu ý là tốc độ ra sản phẩm mới của thương hiệu này nhanh đến chóng mặt và tập trung đánh vào tâm lý sản phẩm vì sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng. Trong khi đó, trên các quầy kệ của siêu thị như Co.opmart, Big C, Maximark… sản phẩm nhựa trong nước áp đảo về diện tích, nhưng xét về tính mới lạ và nét riêng biệt thì sản phẩm Thái Lan, Hàn Quốc vẫn nhỉnh hơn.
Doanh nghiệp nhựa thua vì thiếu thương hiệu mạnh
Đại diện siêu thị Maximark cho biết, thế mạnh của sản phẩm trong nước là giá rẻ hơn các sản phẩm nhập ngoại từ 20-30% với chất lượng tương đương, nhưng để đa dạng chủng hàng đặc biệt ở phân khúc cao cấp, siêu thị phải nhập khẩu thêm nhựa các nước như hãng nhựa Kiokips, BioZone, Incense…
Ông Trần Phước An, Giám đốc bán hàng Công ty Nhựa Duy Tân cho biết: cạnh tranh trên thị trường nhựa hiện nay của doanh nghiệp trong nước chủ yếu về mặt bằng giá, tập trung vào phân khúc bình dân và trung bình. “Mấy năm trước, bà con nghĩ Việt Nam không làm được hàng tốt, nhựa phế phẩm, kiểu dáng nghèo nàn. Doanh nghiệp khi đi đến từng địa phương làm chương trình phải cho bà con hiểu hơn về sản phẩm. Các chương trình bán hàng nông thôn luôn thu hút đông đảo bà con đến mua sắm và là cách làm thương hiệu khá hiệu quả cho đến nay”, ông An nói.
Giám đốc một công ty nhựa trong nước cho biết, chiến lược của công ty này là đánh vào số lượng vì nhựa là mặt hàng công nghiệp, cần sản lượng nhiều thì mới có giá tốt. Hàng trong nước nếu “bon chen” lên phân khúc cao cấp thì sẽ khó trụ nổi. Vị giám đốc này còn nhận định: “Thị trường nhựa cao cấp chủ yếu sống được nhờ quảng cáo, marketing. Phần lớn người tiêu dùng chọn hàng hiệu cao cấp vì họ bị thuyết phục bởi sản phẩm làm từ chất liệu an toàn, nhưng thực ra đối với sản phẩm nhựa có thương hiệu thì nguyên liệu đều phải chính gốc, an toàn”.
Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ở phân khúc nhựa gia dụng cao cấp, nhìn ở bề nổi đúng là sản phẩm nước ngoài đang chiếm ưu thế. Nhưng tỉ trọng này không lớn nên các doanh nghiệp trong nước không mặn mà việc đầu tư vì nhu cầu ở thị trường nội địa không cao, trong khi nếu muốn xuất khẩu thì doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể tạo được thương hiệu riêng nên rất khó cạnh tranh.

Chia nhau phân khúc đầu tư

Ông Hồ Đức Lam cho biết: “Công ty của tôi vừa chi hơn 80 tỉ đồng để đầu tư thiết bị cho ngành sản xuất bao bì, vải giả da simili. Nếu không đầu tư, chúng tôi sẽ tự loại mình khỏi cuộc chơi vì không đáp ứng được kỹ thuật mà nhà đặt hàng yêu cầu”. Ở lĩnh vực nhựa gia dụng, hiện nay ngành nhựa Việt Nam đủ tự tin chiếm lĩnh hơn 80% thị trường, đánh bật hàng Trung Quốc và Thái Lan vốn là đối thủ gây “sóng gió” trên thị trường Việt cách đây 5-7 năm. “Chúng tôi ước tính đã có hàng ngàn tỉ đồng được các doanh nghiệp chi cho các khâu thiết kế, tạo khuôn mẫu, mua sắm mới máy móc thiết bị để làm nên được kỳ tích nói trên, dù thực tế số doanh nghiệp có đủ tiềm lực thực hiện việc đổi mới là không nhiều”, ông Lam thừa nhận.
Ông Trịnh Chí Cường, Tổng Giám đốc Công ty nhựa Đại Đồng Tiến cho biết, từ năm 2008 công ty cũng có phòng R&D và hàng năm vẫn cho ra những sản phẩm mới như hộp nhựa gia dụng “xanh” Sina với công nghệ Nano Silver. Nhựa Tân Lập Thành cũng tung ra bộ sản phẩm Happy Lock theo công nghệ “xanh”. Nhựa Duy Tân mỗi năm cho ra không dưới 10 sản phẩm mới… Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này được cải tiến từ sản phẩm cũ chứ ít khi có những dòng sản phẩm sáng tạo mới hoàn toàn nên cạnh tranh cũng khá vất vả, chưa kể ngân sách quảng bá, tiếp thị không nhiều, hoặc chưa tìm được thông điệp truyền tải đến người tiêu dùng. Nếu nhìn vào ngành hàng nhựa gia dụng cao cấp mà các thương hiệu nước ngoài đang nắm giữ tưởng chừng chỉ là một phần khiêm tốn, nhưng thực sự hiệu quả, dấu ấn về mặt thương hiệu lại rất cao, không ít doanh nghiệp nội phải giật mình.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP): đổi mới công nghệ thiết bị của các doanh nghiệp ngành nhựa hiện được đánh giá là khá cao so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp chủ yếu vẫn chỉ hạn chế trong phạm vi đầu tư mua máy móc thiết bị từ nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp FDI đưa vào sản xuất tại Việt Nam. Mặt khác, hoạt động nghiên cứu phát triển trong ngành gần như là chưa có”.
Nhưng tựu trung, hầu hết các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam đều có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, khả năng tự nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ gần như không có. Sự hỗ trợ của nhà nước về khoa học công nghệ còn bị ràng buộc bởi quá nhiều rào cản, thiếu khả năng thương mại hóa nên những kết quả nghiên cứu cũng rất yếu.
Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Address

195 Phan Văn Hân, Phường 17
Quận Bình Thạnh, TP HCM