Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Ba cú hích mới của Startup Coffee

Kể từ khi thành lập, thương hiệu Startup Coffee của ông chủ Mai Trường Giang đã sớm nổi như cồn.

Thiết kế hình ảnh tương tự như gã khổng lồ Starbucks của Mỹ, sau một năm rưỡi phát triển Startup đang “trượt” khỏi vai Starbucks để chuẩn bị cho mình những cú hích mới. Thành lập vào tháng 11/2012, Startup nhanh chóng khuếch trương thương hiệu nhờ dùng chiêu “đứng trên vai người khổng lồ” ở mặt hình ảnh một cách khá hiệu quả. Trong năm đầu tiên, Startup đã phát triển được 7 cửa hàng. Sau 1,5 năm, Startup đạt điểm hòa vốn. Tuy nhiên, đến nay nhìn lại, Mai Trường Giang vẫn chưa hài lòng với kết quả ấy. “Dù tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm đến 50%, nhưng vẫn có cửa hàng bị lỗ”, Giang cho biết.

Làm sao phát huy lợi thế người đi sau?

Sau khi mô hình kinh doanh nhượng quyền bánh su Chewy Junior (Singapore) đạt được những thành tựu nhất định, Giang nghĩ đến một công việc kinh doanh khác. Cà phê rang xay theo kiểu Ý với mô hình nhượng quyền là một ý tưởng tốt. Một vài nhà đầu tư đã thành công dựa trên lợi thế là nhà xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới của Việt Nam bên cạnh yếu tố giá rẻ so với các cửa hàng nước ngoài.
Ba cú hích mới của Startup Coffee
Ngay khi bỏ vốn gây dựng từ cuối năm 2012, Giang đã xác định ngay, Passio là đối thủ chính của Startup. Passio ra đời năm 2006 và đến nay đã có 15 cửa hàng. Đi sau, nhưng Startup cũng có không ít lợi thế. Giang có Công ty Khuông Việt là đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Việt Nam nguyên liệu chế biến cà phê với thương hiệu Davinci. Nhờ đó mà Startup kiểm soát được chất lượng cà phê và giảm thiểu chi phí đáng kể cùng với việc tận dụng hệ thống kho bãi, vận chuyển… có sẵn. Nếu so với chi phí nhượng quyền mỗi cửa hàng của Passio khoảng 1 tỷ đồng, thì mô hình Startup chỉ bằng một nửa.
Dù vậy, nhưng sau một năm rưỡi phát triển, Starup vẫn chưa thể “nở nồi”. Đến nay, chuỗi Startup mới có 5 cửa hàng, chỉ nhượng quyền được 1 cửa hàng. Hồi đầu năm 2014, Giang cũng buộc phải đóng cửa 1 cửa hàng vì kinh doanh không hiệu quả. Khó khăn này theo Giang, do áp lực cạnh tranh đang tăng cao.
Giới trẻ có tiền ngày càng cởi mở hơn với những sản phẩm nước ngoài và đề cao tính tiện lợi. Trong khi đó, mô hình cà phê nhượng quyền không đòi hỏi chi phí đầu tư quá lớn khiến nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào. Passio sau thời gian chiếm lĩnh thị trường nay đã bị Urban Station, một kẻ “sinh sau đẻ muộn” vượt mặt. Kẻ hậu bối này đã nhanh chóng nâng tổng số cửa hàng lên 29 kể từ khi ra đời vào tháng 4/2011, gần gấp đôi con số 15 của Passio. Những thương hiệu mới như Phúc Long, IFFOC dù mới xuất hiện cũng đã gây dựng được hệ thống 4-5 cửa hàng trong khu vực nội đô TP.HCM.
Ba cú hích mới của Startup Coffee
Có sẵn không ít lợi thế, tiềm năng thị trường lớn, nhưng vì sao Startup vẫn chưa thể đột phá? Ngoài áp lực cạnh tranh cao, theo Giang, còn có nhiều vấn đề khác.Với những mô hình kinh doanh khởi nghiệp như Startup, quản trị và vốn có lẽ là hai vấn đề khó giải quyết nhất. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu phát triển, Giang sử dụng hoàn toàn vốn cá nhân nên khó nhân bản hệ thống nhanh được. Còn về quản trị, Giang không nhận được sự hỗ trợ của bất cứ cộng sự kinh nghiệm nào. “Đó là một sai lầm”, Giang thừa nhận. Trước tình thế này, nếu không tìm cách bứt phá, Startup có thể bị bỏ lại phía sau, thậm chí là khó tồn tại.

Cú hích M&A

Sau thời gian đầu dò tìm lối đi, nay Mai Trường Giang đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chuyên sâu về mô hình này. Anh mạnh dạn triển khai 3 giải pháp bứt phá cho Startup.
Các thương hiệu cà phê chuỗi như Startup hiện nay khá nhiều. Theo Giang, sẽ còn nhiều cái tên mới xuất hiện do dễ đầu tư và nhu cầu thị trường còn rất lớn. Do đó, cạnh tranh về mặt thương hiệu khó khả thi. Thay vì dựa vào thương hiệu Starbucks như lúc đầu, Giang chú ý đến khía cạnh chi phí và chất lượng. Các cửa hàng Startup truyền thống vẫn tiếp tục được nhân bản, nhưng sẽ được làm mới bằng các sản phẩm cà phê sinh thái. Cà phê hạt sau khi được thu mua từ các trang trại có chứng nhận “cà phê sạch” sẽ được Startup tự rang xay. Quá trình này tuy có làm tăng thêm chí phí, nhưng giúp cửa hàng đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Song hành với sự thay đổi này, Startup cũng có kế hoạch mở rộng thị trường theo hướng chủ động. Thay vì mở cửa hàng và chờ khách hàng đến, Startup sẽ đi “săn” khách hàng thông qua chiến lược “Về quê”. Trong khi toàn hệ thống Startup đạt mức hòa vốn trong 1,5 năm thì cửa hàng mới ở Nha Trang, mở vào tháng 5/2014, chỉ cần 6 tháng. Doanh số ở đây cũng gấp đôi một cửa hàng ở Sài Gòn. Ngoài một cửa hàng khác sắp mở ở Nha Trang, Giang cho biết, sẽ mở rộng hệ thống đến các khu dân cư và thành phố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước. “Còn trong khu vực TP.HCM, hình thức kinh doanh: doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B) cũng sẽ được đẩy mạnh”, Giang tiết lộ.
Có sẵn nhiều lợi thế nổi trội, tham vọng tiến nhanh của Startup cũng dễ hiểu. Mặt khác, tiềm năng từ thị trường cà phê rang xay tiện lợi cũng rất đáng đặt cược. Quy mô thị trường này hiện vào khoảng 4 tỷ USD và trên thực tế đã tăng trưởng 20-30% trong năm 2013. Tuy nhiên, Giang cho biết, các số liệu thống kê cho thấy doanh nghiệp mới chỉ khai thác được khoảng 30% quy mô khổng lồ trên. Sự hấp dẫn này cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp háo hức nhảy vào thị trường trong thời gian gần đây. Nhưng dù sao, mở rộng quá nhanh có thể khiến Startup đối mặt với rủi ro về vốn.
Để hóa giải rủi ro này, M&A có thể là công cụ hiệu quả. Giang cho biết, đang thương lượng với một ông lớn trong ngành cà phê
Việt về kế hoạch M&A. Dù không tiết lộ cụ thể về thương vụ, nhưng theo Giang, tiến trình đàm phán đang rất khả quan và có thể sớm công bố thông tin trong năm 2014. Giám đốc một công ty tư vấn doanh nghiệp đánh giá: “Đây là một bước đi khôn ngoan của Startup”. Bởi khi bắt tay với ông lớn, Startup có thể được hỗ trợ về mặt tài chính và kinh nghiệm, nhờ đó có thể tiến nhanh hơn các đối thủ. Tuy nhiên, Mai Trường Giang có thể mất quyền kiểm soát với Startup, vị này nhận xét.
Có lẽ Giang đã chuẩn bị khá kỹ cho kế hoạch này nên mục tiêu của anh sắp tới khá tham vọng. Giang cho biết, sẽ nâng số cửa hàng lên con số 50 cho đến hết năm 2015, dù hiện nay Startup mới có 5 cửa hàng. Sau giai đoạn này, mỗi năm Startup sẽ phát triển 20-30 cửa hàng mới. Nếu thương vụ thành công, có thể đây là cú hích lớn giúp Startup tạo bước đột phá trên thị trường cà phê chuỗi tiện lợi.
Ngọc Dương – Doanh Nhân Online

Bài viết khác