Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Nhượng quyền kinh doanh, cuộc chơi của thương hiệu ngoại?

Có mặt tại Việt Nam từ những năm 90 nhưng mô hình nhượng quyền kinh doanh (Franchise) vẫn còn khá mới mẻ. Vì vậy, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhìn nhận hình thức kinh doanh này sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm tới.

Mảnh đất màu mỡ

Kể từ khi cửa hàng đầu tiên khai trương tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2003, đến nay hệ thống Phở 24 đã phát triển và mở rộng trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước cũng như trên thế giới với con số lên đến hơn 70 địa điểm. Đây là một trong những thương hiệu Việt được kinh doanh theo hình thức nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam.
Khách hàng tìm hiểu thương hiệu Tino’s Pizza của Đài Loan tại triển lãm IFBO Việt Nam 2014.
Khách hàng tìm hiểu thương hiệu Tino’s Pizza của Đài Loan
tại triển lãm IFBO Việt Nam 2014.
Không chỉ Phở 24 mà các thương hiệu Việt khác như cà phê Trung Nguyên, Wrap & Roll, Kinh Đô Bakery… cũng đã thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh. Hiện các thương hiệu này có mặt ở các quốc gia như Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Ba Lan, Ukraina… Với sự thành công trên, các DN này đã mở đường và tạo cảm hứng cho nhiều DN Việt Nam tham gia.
Kinh nghiệm của ông Lý Quý Trung, người sáng lập ra Phở 24 đã minh chứng, phải có 5 yếu tố quan trọng để nhượng quyền thành công. Đó là bản sắc thương hiệu, vị trí đặt quán, quản lý con người, nỗ lực tiếp thị và chiến lược dài hạn. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ các thủ tục pháp lý như đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ trong nước, và nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Canada và các nước tham gia thỏa ước Madrid.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP Hồ Chí Minh, cho biết, nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam tuy còn mới mẻ và chưa nhiều, nhưng theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay đã có hơn 130 thương hiệu quốc tế đăng ký; trong đó mức tăng trưởng kinh doanh trung bình qua các năm là trên 30% với doanh số hàng năm lên đến hơn 30 triệu USD. Hầu hết những thương hiệu nhượng quyền hàng đầu trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut, Subway, Starbuck và McDonalds. Điều này cho thấy, với hơn 90 triệu dân số tại Việt Nam, Franchise thật sự là mảnh đất màu mỡ.
Tại triển lãm quốc tế nhượng quyền thương mại và cơ hội kinh doanh (IFBO) Việt Nam 2014 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 4- 6/9 vừa qua, đã có 83 thương hiệu đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham gia để tìm hiểu thị trường và tìm đối tác nhượng quyền. Phần lớn, các thương hiệu này đều nổi tiếng và rất thành công trên thị trường quốc tế như ArmyNavy, Jumpbunch, Menchie’s, Zambreo…
Ông Troy Franklin, Trưởng đại diện Đông Nam Á của World Franchise Associates (Vương quốc Anh), cho biết Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng bởi kinh tế Việt Nam tăng ổn định trong những năm gần đây. Đây là những tín hiệu tốt, hứa hẹn mang lại cơ hội thành công cho các thương hiệu quốc tế. Vì thế, nhiều thương hiệu mới ở các lĩnh vực triển vọng tại Việt Nam là giáo dục đào tạo và thức ăn nhanh đều có mặt tại triển lãm IFBO 2014. Ông Mr.Valium, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ TMJ (Singapore), cũng rất mong muốn đem lại những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, với dòng sản phẩm chủ lực là công nghệ về năng lượng và hóa chất, ông Mr.Valium tin rằng cơ hội thành công khi đầu tư tại Việt Nam là 90%.

Cơ hội mở rộng thương hiệu

Theo ông Winston Lim, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ triển lãm Bizlink (Singapore), đơn vị chuyên tổ chức sự kiện Franchise, hoạt động Franchise cho phép các bên tiến hành mua – bán tên thương hiệu, khẩu hiệu, biểu tượng hoặc ý tưởng quảng cáo của thương hiệu… Các nhà đầu tư có thể thực hiện ước mơ kinh doanh của mình bằng cách mua lại ý tưởng và thương hiệu từ những thương hiệu có tiếng, đang rất thành công trên thị trường… Từ đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương hiệu, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Khi DN xây dựng một thương hiệu thì phải mất đến 2-3 năm, trong khi rủi ro có thể lên tới 80%. Nhưng đối với các thương hiệu đã thực sự thành công, việc mua bán, nhượng quyền sẽ rút ngắn thời gian để các nhà đầu tư thực hiện ước mơ kinh doanh của mình. Theo đó, cơ hội thành công từ việc mua bán, nhượng quyền thương mại là rất lớn”, ông Winston Lim chia sẻ.
Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng Franchise được xem là mô hình kinh doanh hiệu quả cho DN. Bởi thông qua Franchise, DN không phải mất thời gian cho việc xây dựng thương hiệu cũng như kinh nghiệm bán hàng, mặt bằng, đào tạo nhân viên, quản trị DN… Tất cả những điều trên đã có sẵn. Thống kê của Hội Liên hiệp chuyển giao thương hiệu quốc tế (IFA) cho thấy có đến 90% DN nhượng quyền kinh doanh tồn tại tốt sau mười năm hoạt động. Ngoài ra, thời điểm này rất dễ chọn những địa điểm đẹp tại các thành phố lớn với giá cả phải chăng (trong Franchise, địa điểm là yếu tố quyết định 50% cơ hội thành công).
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành công tại Việt Nam, cần phải tìm hiểu kỹ về thị trường, văn hóa của Việt Nam. Khi đã hiểu rõ được thị trường, hiểu rõ được văn hóa, tập quán của người Việt thì cơ hội thành công là rất cao. Năm 2014 là thời điểm Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, theo đó những giao dịch Franchise sẽ còn nở rộ hơn nữa. Vì vậy, nhượng quyền kinh doanh đang và sẽ tiếp tục là xu hướng, sự lựa chọn tối ưu và là cơ hội kinh doanh cho các DN cũng như cá nhân người Việt Nam dù đang trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Hải Yến  – Báo Tin Tức

Bài viết khác