Thiếu sản phẩm thương hiệu riêng: Xuất khẩu khó cạnh tranh bền vững
Tuy Việt Nam đã là quốc gia có “tên tuổi” trong bản đồ xuất khẩu thế giới đối với một số mặt như cà phê, gạo, hạt tiêu, tôm, cá tra, dệt may… nhưng chúng ta vẫn thiếu những mặt hàng xuất khẩu xây dựng được thương hiệu riêng để khẳng định vị thế cạnh tranh bền vững trên trường quốc tế.
Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo Đánh giá tiềm năng xuất khẩu Quốc gia đưa ra tại Hội thảo quốc gia “Đánh giá tiềm năng xuất khẩu”, tổ chức ngày 30/7, tại Hà Nội.
Lý giải cho thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, chưa đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ dẫn đến giá trị gia tăng cho hoạt động xuất khẩu còn thấp.
Bà Hằng cho biết, thống kê thương mại theo Giá trị gia tăng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giá trị gia tăng tạo ra của các ngành công nghiệp Việt Nam chỉ nằm trong khoảng 30-40%. So với các nước trong khu vực, Việt Nam kém xa Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.
Bên cạnh đó, phần lớn các mặt hàng nông sản và thủy sản Việt Nam chưa có thương hiệu, xuất khẩu chủ yếu qua các bên trung gian, khiến giá trị xuất khẩu còn thấp, các doanh nghiệp bị lệ thuộc nhiều, chưa chủ động được trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, Việt Nam còn phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu hoặc linh kiện nhập khẩu. “Yếu điểm này khiến các ngành phải chịu rủi ro biến động giá và thời gian giao hàng, đồng thời trực tiếp hạn chế năng lực cạnh tranh của các nhà cung ứng và cản trở sự nâng cấp hoạt động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp”, bà Hằng nói.
Để khắc phục những hạn chế này, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, triển lãm, hội nghị.
Đặc biệt, “điều quan trọng nhất các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để khẳng định vị thế cạnh tranh bền vững thay cho việc bổ sung vào thành tích kim ngạch xuất khẩu cao mà thực chất lợi ích để lại cho quốc gia rất hạn chế”, ông Lang nhấn mạnh./.
Báo cáo “Đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia” nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”, sử dụng nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ thực hiện trong 4 năm (2013-2017).
Báo cáo tập trung cho 5 ngành hàng là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ và thủy sản, thực hiện ở cấp quốc gia và ở cấp vùng (Bắc, Trung, Nam).
Việc đánh giá tiềm năng xuất khẩu được dựa trên 3 chỉ số tổng hợp gồm tình hình xuất khẩu hiện tại, khả năng cung cấp nội địa và thị trường thế giới.
Thiện Trần – Thời Báo Tài Chính Việt Nam