5 sai lầm cần tránh trong xây dựng thương hiệu
Thương hiệu của một công ty hoặc sản phẩm được xây dựng từ những nỗ lực không ngừng từ ban lãnh đạo và nhân viên. Thế nhưng, chỉ cần một sai sót cũng đủ để những công sức ấy tan thành mây khói.
Nếu bạn hùng hồn khẳng định mình là một doanh nghiệp hiện đại, sáng tạo nhưng không dành một đồng đầu tư vào công nghệ phát triển thì khách hàng sẽ tin bạn được bao lâu? Lại có những sai lầm tưởng như dễ tránh nhưng có doanh nghiệp lại mắc phải và khiến họ phải trả giá bằng chính thương hiệu mình đã dày công xây dựng. Dưới đây là năm lỗi cần lưu ý.
1. Đánh đồng xây dựng thương hiệu với truyền thông.
Truyền thông chỉ là một phần trong hoạt động xây dựng thương hiệu. Bạn không thể nào tạo nên một thương hiệu bằng cách quảng cáo và truyền thông, bạn cần một chiến lược hoàn chỉnh và những con người có khả năng giúp bạn thực hiện chiến lược ấy. Trong thời đại internet ngày nay, việc quảng cáo rầm rộ cho một sản phẩm/dịch vụ kém chỉ giúp cho sản phẩm/dịch vụ ấy mau lụi tàn mà thôi. Vì thế, trước khi tung ra những thông điệp hoa mỹ về sản phẩm/dịch vụ của mình, hãy đầu tư thoả đáng vào việc sáng tạo một sản phẩm/dịch vụ hoàn hảo trước đã.
2. Sa đà vào cuộc chiến giá cả.
Đẩy thương hiệu vào cuộc đua giá rẻ không bao giờ là lựa chọn sáng suốt. Không sớm thì muộn sẽ có đối thủ khác đưa ra mức giá thấp hơn và bạn không thể nào cứ mãi hạ giá để cạnh tranh với họ. Nếu sản phẩm/dịch vụ của bạn và đối thủ có cùng mức giá, hãy dùng những lý do khác để thuyết phục khách hàng chọn thương hiệu của bạn. Khăn giấy hiệu Pulppy có giá bán cao hơn khăn giấy mang thương hiệu riêng của siêu thị nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chọn mua Pulppy vì những giá trị vô hình mà thương hiệu này đã xây dựng. Vì vậy, hãy chiến thắng đối thủ trong cuộc chiến niềm tin của khách hàng, khi ấy, bạn sẽ không phải bận tâm nhiều trong cuộc đua giảm giá.
3. Thay đổi cam kết thương hiệu
Điều này có thể xảy ra khi một giám đốc tiếp thị mới gia nhập công ty. Họ sẽ muốn để lại dấu ấn của mình trên thương hiệu và thiết lập một số thay đổi nhất định. Lẽ đương nhiên thương hiệu vẫn cần một luồng gió mới để theo kịp đà phát triển của thị trường, thế nhưng, việc quay ngoắt 180 độ có thể khiến khách hàng bối rối và hụt hẫng.
4. Hứa nhiều, làm ít
Cách làm thương hiệu ít tốn kém nhất là thông qua khách hàng. Để biến khách hàng thành người truyền bá thương hiệu, hãy hứa ít nhưng làm nhiều. Chính vì lời nói không mất tiền mua, nên đôi lúc bạn sẽ muốn hứa hẹn thật nhiều, kể cả những điều vượt quá khả năng của mình. Vì thế, hãy cố gắng chỉ cam kết những điều có thể và thực hiện thật tốt. Nếu bạn muốn đề cao dịch vụ thân thiện, đừng để nhân viên càu nhàu về khách hàng. Nếu sản phẩm của bạn có phong cách thời thượng, hấp dẫn nhất, dĩ nhiên cửa hàng hay phòng trưng bày của bạn cũng phải được bày trí thật bắt mắt, sành điệu.
Bên cạnh đó, bạn cần chọn một thông điệp thật tập trung, tránh cố gắng quá ôm đồm nhiều đối tượng. Hãy chọn một phần thật thuyết phục, độc đáo trong cam kết của mình và chú trọng vào đó thay vì cố gắng chuyển tải tất cả 10 điều khác nhau trong một cam kết.
5. Xây dựng thương hiệu theo kiểu bắt chước
Một số công ty hay nghĩ rằng “nếu chỉ cần đạt được từng này phần trăm của thị trường là đủ giàu rồi.” Nhưng để có được từng đấy phần trăm của thị trường, bạn cần thuyết phục khách hàng tin và lựa chọn thương hiệu của mình. Bạn không thể “ăn theo” thành công của thương hiệu dẫn đầu trong ngành, thay vào đó, bạn cần phải là chính mình. Sẽ có một bộ phận khách hàng “hợp rơ” với bạn và họ sẽ chọn bạn thay vì thương hiệu lớn khác. Hãy tạo cho mình sự khác biệt đặc trưng. Nếu bạn muốn cạnh tranh với Starbucks, bạn cần nhiều hơn là những ly cà phê mang đi với những cái tên kiểu Ý, tìm cho mình nét riêng mà Starbucks không có như phong cách trang trí đặc trưng, các hoạt động giải trí nhẹ nhàng cho khách, hoặc cho phép khách hàng chọn hạt cà phê và xay tại chỗ, v.v. Nói tóm lại, hãy tạo sự khác biệt cho chính mình.
Nguồn: DNA Branding