Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Lời cầu hôn của Howard Schultz với Starbucks

Sự thật ngầm hiểu càng quyến rũ càng được ngụy trang nhiều tầng, nhiều lớp và không dành cho số đông. Nó ẩn mình rất kỹ, chờ người xứng đáng nhất đến và… ngỏ lời cầu hôn.

Khi bị một đồng nghiệp nam mắng là đồ phù thủy, như thường lệ, Margaret (nhân vật nữ chính trong phim Lời cầu hôn (The Proposal)) mặt câng câng không biểu lộ chút cảm xúc nào. Thực ra cô chỉ cố che giấu sự yếu đuối dưới một vỏ bọc xù xì. Không ai biết “sự thật ngầm hiểu” này của Margaret.

Sự thật ngầm hiểu

Starbucks ngày nay là thương hiệu cà phê số một thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, suốt gần 10 năm đầu tiên trước khi được Howard Schultz tiếp quản, từ năm 1975 đến 1984, Starbucks chỉ là một thương hiệu cà phê gần như vô danh tại Mỹ với vẻn vẹn 5 cửa hàng nhỏ ở thành phố Seattle. Cà phê hạt Arabica chất lượng tốt nhất thu mua từ Brazil, được rang xay đậm màu, mùi vị thơm ngon không giúp cho hương vị của Starbucks lan xa khắp nước Mỹ.
Cuộc tình giữa Howard Schultz và Starbucks giống như tiếng sét định mệnh vượt mọi sự suy đoán lãng mạn nhất
Cuộc tình giữa Howard Schultz và Starbucks giống như tiếng sét định mệnh
vượt mọi sự suy đoán lãng mạn nhất
Quay trở lại với “Lời cầu hôn”. Từ đầu đến gần cuối phim, quan hệ giữa Margaret và Andrew đơn thuần là một thỏa thuận hôn nhân. Không có sợi dây tình cảm nào giữa họ. Tại đám cưới được sắp đặt theo kịch bản giữa họ, Margaret đã làm điều tất cả không ngờ tới: tiết lộ sự thật về thỏa thuận hôn nhân và tuyên bố hủy hôn với Andrew – một công dân Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc Margaret – một công dân Canada sẽ bị trục xuất khỏi nước Mỹ, kéo theo hệ lụy sụp đổ thăng tiến sự nghiệp cô đã mất công gây dựng. Một lần nữa không ai hiểu sự thật ngầm hiểu đằng sau hành động điên rồ này là gì, chỉ trừ một người – Andrew.
Lẽ ra anh cũng như tất cả mọi người sẽ há hốc mồm kinh ngạc nghe Margaret tiết lộ sự thật, nếu không trải qua ba ngày ngắn ngủi sống chung phòng (không ngủ chung giường) với cô. Trước đó, như tất cả đồng nghiệp khác, anh rất ghét cô thư ký tòa soạn này. Anh cũng chẳng biết cô đã từng chạy vào toilet để khóc khi bị một đồng nghiệp nam mắng là “đồ phù thủy”. Nhưng giờ anh đã hiểu con người cô. Và khi cô tuyên bố từ bỏ cuộc hôn nhân vào phút cuối, anh đã hiểu “sự thật ngầm hiểu” về con người cô. Đằng sau vẻ xù xì gai góc là một tâm hồn đẹp. Về phía Margaret, cô sẵn sàng phá hủy một thỏa thuận hôn nhân vì cô đã được chứng kiến những tình cảm tuyệt vời và một cuộc sống tuyệt vời anh đang có với gia đình. Cô thấy thật có lỗi khi sự có mặt của mình sẽ làm ảnh hưởng đến những điều tốt đẹp. Hành động từ chối của cô chính là tín hiệu tình cảm mạnh nhất của một phụ nữ cá tính như cô dành cho anh. Lời cầu hôn của Andrew dành cho Margaret ở cuối phim chỉ là hành động chắc chắn sẽ xảy ra: vì họ đã hiểu “sự thật ngầm hiểu” của nhau.
Starbucks bắt đầu quá trình lột xác từ vịt thành thiên nga từ một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo năm 1980. Hôm đó, chàng trai trẻ làm nghề kinh doanh nội thất Howard Schultz từ New York đến Seattle chơi. “Có một cái gì đó kỳ diệu như ma thuật ẩn bên trong Starbucks, một niềm đam mê và một bản sắc tôi chưa bao giờ nhận thấy ở bất cứ nơi nào. Đó là cách tôi gặp Starbucks. Và kể từ đó cả hai chúng tôi không còn như trước nữa”, trích lời của Schultz trong cuốn “Dốc hết trái tim”.

Chờ một lời cầu hôn

Vâng, Howard Schultz không còn như trước và Starbucks cũng không còn như trước đây, sau “tiếng sét ái tình” định mệnh này. Sự thật ngầm hiểu của Schultz là anh sinh ra không phải chỉ để nhận mức lương đáng mơ ước 75 nghìn USD một tháng tại một công ty nội thất ở New York. Sự thật ngầm hiểu của Starbucks là nó đang mang trong mình sự tuyệt diệu của thứ chất lượng cà phê rang xay đậm màu. Và quan trọng hơn cả là sự tuyệt diệu này chưa được khai thác nhân rộng để nhiều người Mỹ có cơ hội thường thức hơn.
Lời cầu hôn của Howard Schultz với Starbucks ở ngay đầu câu chuyện (không phải đến cuối phim như trong “The Proposal”) chỉ là kết quả tất yếu sẽ xảy ra, vì họ đã tìm thấy “sự thật ngầm hiểu” của nhau.
Sự thật ngầm hiểu (Insight) trong tiếng Hy Lạp cổ còn có nghĩa là “Epiphany”. Từ này để chỉ sự xuất hiện của chúa Jesus đối với các tín đồ theo đạo Thiên chúa giáo. Đó là sự xuất hiện thiêng liêng, được mong chờ và không phải ai cũng có may mắn được nhìn thấy. Cuộc tình giữa cô Thư ký toà soạn Margaret và chàng thư ký Andrew trong “The Proposal” diễn biến rất bất ngờ và vượt ra ngoài mọi trí tưởng tượng của đám nhân viên hiếu kỳ quanh họ. Cũng đúng thôi. Vì họ là hai tính cách đối lập nhau. Và lời cầu hôn cuối phim của Andrew dành cho Margaret đúng là một Epiphany.
Cuộc tình giữa Howard Schultz và Starbucks giống như tiếng sét định mệnh vượt mọi sự suy đoán lãng mạn nhất. Cũng đúng thôi. Vì trước thời điểm đó 10 năm, những người sáng lập ra Starbucks đâu có thể ngờ rằng, một kẻ ngoại đạo về cà phê từ đâu xuất hiện tại Seattle như Schultz, lại chết mê chết mệt “Nàng tiên cá màu xanh” (logo của Starbucks) ngay từ ngụm cà phê đầu tiên. Cho nên lời cầu hôn của Howard Schultz dành cho Starbucks đúng là hơn cả một Epiphany.
Tất cả các ví dụ ở trên nói lên rằng, các mối thiên tình sử nhìn qua cứ ngỡ là sự bất chấp mọi quy luật. Nhưng tất cả đều tuân theo một quy luật: sự thấu hiểu một sự thật ngầm hiểu không ai thấy, vì chẳng ai nói ra. Sự ngầm hiểu càng quyến rũ càng được nguỵ trang nhiều tầng, nhiều lớp và không dành cho số đông. Nó ẩn mình rất kỹ, chỉ chờ người xứng đáng nhất đến và… ngỏ lời cầu hôn thôi!
DDDN – Nguyễn Đức Sơn
Giám đốc Chiến lược thương hiệu – Richard Moore Associates

Address

195 Phan Văn Hân, Phường 17
Quận Bình Thạnh, TP HCM