Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Logo – Ngôi sao cần sân khấu

Logo thương hiệu là phần dễ nhận diện và ghi nhớ nhất của câu chuyện thương hiệu, giống như một ngôi sao chỉ tỏa sáng nếu có sân khấu.

Logo của thương hiệu cần có một “sân khấu” để có thể tỏa sáng, ngay cả khi không có diễn viên thì nó vẫn hỗ trợ diễn viên chính và tạo nên cảm xúc cho câu chuyện thương hiệu. Cùng với “ngôi sao thương hiệu”, một số yếu tố đồ họa khác cũng rất quan trọng trên sàn diễn. Tất cả cùng nhau tạo nên “bản sắc nhận diện thương hiệu cốt lõi” gồm màu sắc thương hiệu, kiểu chữ thương hiệu và mẫu định dạng thương hiệu. Việc lựa chọn và phát triển từng thành tố quan trọng này là một cơ hội giúp doanh nghiệp thể hiện “tính cách thương hiệu” trên tất cả các tài liệu truyền thông.

Màu sắc thương hiệu

Về mặt truyền tải thông điệp, bạn cần ghi nhớ hai yếu tố khi chọn lựa màu sắc cho thương hiệu, thứ nhất là đặc tính cảm xúc của từng màu sắc. Bạn hãy thử nghĩ đến màu xanh lá cây, tím nhạt hay vàng kim chẳng hạn. Khi tâm trí bạn nghĩ đến chúng, bạn thường liên hệ chúng với những giá trị cảm xúc nhất định mà bạn thu nhận được trong cuộc sống. Do vậy, thương hiệu mạnh là thương hiệu kết nối về mặt cảm xúc với khách hàng, cho nên cần cân nhắc thương hiệu và đặc tính cảm xúc của từng màu sắc phù hợp với nhau như thế nào. Thứ hai là màu sắc có khả năng giúp bạn tạo sự khác biệt cho thương hiệu trên thị trường như thế nào. Ví dụ, màu đỏ và xanh nước biển có thể phù hợp với thương hiệu về mặt cảm xúc, nhưng chúng là những sắc màu phổ biến nhất trong thế giới thương hiệu. Nên cân nhắc sự khác biệt của màu sắc này cũng như sự tác động của chúng đối với hình ảnh thương hiệu.
Logo – Ngôi sao cần sân khấu
Về mặt chức năng, bạn cần cân nhắc xem màu sắc sẽ được sử dụng như thế nào trong các hình thức truyền thông của thương hiệu. Để tạo được ấn tượng sâu đậm về màu sắc, bạn cần sử dụng màu thương hiệu của mình không chỉ cho mẫu logo mà cần áp dụng cho mọi thứ, ngoại trừ có yêu cầu cụ thể rõ ràng nào khác. Điều đó có nghĩa là phải sử dụng màu sắc của thương hiệu trên cả những diện tích lớn như phông nền sự kiện, bề mặt bao bì và tiêu đề phụ trong tài liệu giới thiệu.
Nếu bạn khéo léo lựa chọn màu sắc cho thương hiệu và sử dụng nó một cách nhất quán, lợi ích mang lại rất lớn. Giả sử tôi hỏi bạn màu thương hiệu của Coca-Cola là gì, chắc hẳn bạn đã có ngay câu trả lời. Bạn thử nghĩ xem sự nhận biết màu sắc rõ ràng như vậy đã mang lại những giá trị to lớn như thế nào cho thương hiệu đồ uống này? Vậy bạn thử đoán xem, thương hiệu nổi tiếng có giá trị hàng chục tỷ đôla này đã phải tiêu tốn bao nhiêu tiền để đạt được sự nhận biết về màu đỏ như vậy? Thực tế câu trả lời là: rất ít.
Đúng là chúng ta trông thấy rất nhiều mực in và sơn màu đỏ sử dụng trên tất cả các vật dụng của Coca-Cola. Tuy nhiên, nếu như Coca-Cola không dùng màu đỏ thì sẽ dùng một màu nào khác và chi phí sử dụng màu sắc ấy cũng sẽ không có sự khác biệt quá lớn.
Nói cách khác, thương hiệu có thể tạo được sự nhận biết rộng rãi về màu sắc chỉ đơn giản bằng cách quản lý việc sử dụng màu sao cho hiệu quả. Quả là rất “hời”! Sử dụng khéo léo màu sắc chính là một trong những vũ khí đơn giản và kinh tế nhất trong “trận chiến” tranh giành sự nhận biết thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Kiểu chữ thương hiệu

Sử dụng kiểu chữ thương hiệu một cách cẩn trọng có thể là một trong những cách thể hiện hiệu quả nhất để nhấn mạnh tính cách riêng của thương hiệu. Kiểu chữ dễ được nhận biết nhất chính là kiểu chữ riêng được sử dụng cho mẫu logo. Nhưng quan trọng hơn cả là kiểu chữ sử dụng cho các phần tiêu đề chính, tiêu đề phụ, nội dung văn bản và các hàng chữ chú thích, vốn thường xuất hiện trên các loại tài liệu truyền thông thương hiệu mà doanh nghiệp sử dụng hàng ngày từ mẫu quảng cáo cho đến tài liệu giao nhận hàng. Tại sao chỉ nên sử dụng ít kiểu chữ? Thực tế là cũng giống như giọng nói của con người, mỗi một kiểu chữ đều thể hiện một “âm điệu” riêng và có thể chuyển tải một tính cách nhất định. Nếu giọng điệu thay đổi liên tục thì khó thể hiện được sự khác biệt. Hầu hết những thương hiệu thành công đều chỉ sử dụng một hoặc hai họ kiểu chữ.
Khía cạnh thách thức nhất đối với việc lựa chọn kiểu chữ thương hiệu là làm sao để chúng phù hợp với tính cách thương hiệu mà bạn mong muốn thể hiện. Những tính cách thương hiệu thực sự hiệu quả rất hiếm khi bao gồm nhiều hơn ba nét tính cách. Một kiểu chữ thường chỉ có khả năng thể hiện tốt một nét tính cách duy nhất. Đây là lý do giải thích tại sao nhiều thương hiệu sử dụng hai họ kiểu chữ tuy khác nhau, song phải tương thích với nhau.

Mẫu định dạng thương hiệu

Bất kỳ loại tài liệu truyền thông dạng thể hiện hình ảnh nào cũng cần có một mẫu định dạng rõ ràng để giúp cho người đọc dễ dàng lướt qua các thông tin trình bày mà không gặp phải vướng mắc gì. Trong tạp chí Doanh Nhân số này, bạn có thể tìm thấy sự kết hợp đa dạng của tiêu đề chính, tiêu đề phụ, hàng chữ thuyết minh, cách đánh số trang, ảnh minh họa, tranh vẽ và nhiều yếu tố đồ họa. Chẳng hạn, hai đường kẻ dầy và mỏng ở trên đầu trang báo này, cùng yếu tố đồ họa nhắc bạn ghi nhớ tác giả bài viết là ai. Khi áp dụng nhất quán một mẫu định dạng với bố cục trình bày tất cả các yếu tố theo một cách rõ ràng, mẫu định dạng không chỉ mang lại sự thuận tiện cho người đọc, mà tòa soạn cũng có thể làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh những cân nhắc mang tính kỹ thuật kể trên, mẫu định dạng được xây dựng kỹ lưỡng cũng giúp chuyển tải một tính cách nhất định. Một lần nữa, các đơn vị báo chí lại là ví dụ giúp minh họa sức mạnh thể hiện của các mẫu định dạng chuẩn. Ví dụ, nếu bạn xem những bức hình đen trắng chụp các trang tạp chí khác nhau được thiết kế cho các đối tượng độc giả rất khác nhau như Tạp chí Đẹp, Heritage hay Hoa Học Trò 2!, bạn vẫn có thể nhận ra từng cuốn tạp chí chuyển tải một cảm giác tương đối phù hợp với đối tượng độc giả riêng của họ. Điều này là nhờ có mẫu định dạng rất riêng của từng tạp chí.
Tóm lại, doanh nghiệp nên lựa chọn các thành tố bản sắc nhận diện thương hiệu giống như công thức chế biến món ăn, với tất cả sự cẩn trọng và khẩu vị nhất định, để cân bằng hiệu ứng chung.
Doanh Nhân Online – Richard Moore
Giám đốc Điều hành Sáng tạo – Richard Moore Associates

Bài viết khác