Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Thương hiệu cao cấp Việt trước kỳ thi hóa rồng

“So với Cartier, Louis Vuitton, Gucci, Rolex thì các thương hiệu cao cấp Việt chỉ là những đứa trẻ vừa biết đi”, Chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng nói.

Hàng loạt thương hiệu nội tự định vị ở phân khúc cao cấp và đang cố gắng tạo đột phá nhằm góp mặt trong sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, đây là một cuộc chơi hoàn toàn không đơn giản.

Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng được một nhãn hiệu trang sức cao cấp Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng thế giới”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), chủ sở hữu thương hiệu CAO Fine Jewellery đã khẳng định như vậy tại lễ ra mắt cách đây hơn 5 năm.

Định hình sản phẩm nội cao cấp

Việc giới thiệu thương hiệu CAO Fine Jewellery với định vị cao cấp của PNJ là nhằm chinh phục thị trường thế giới. CAO Fine Jewellery là thương hiệu nữ trang bằng vàng và đá quý với các sản phẩm như bông tai, lắc tay, nhẫn kiểu, dây chuyền có giá bán từ vài chục triệu đến vài tỉ đồng. Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành CAO Fine Jewellery cho biết PNJ đã đầu tư khá nhiều cho thương hiệu này, nhất là khoản thuê mặt bằng. Bởi lẽ, dòng sản phẩm nữ trang cao cấp chỉ thích hợp ở những địa điểm kinh doanh thật bắt mắt và sang trọng. “Còn quá sớm để bàn về mức độ thành công. Với sự hỗ trợ của PNJ, chúng tôi đã có lãi từ năm thứ 3 nhưng không đáng kể”, bà Hạnh cho biết.
Thương hiệu Việt cao cấp chỉ là những đứa trẻ vừa biết đi
Đầu năm 2008, thị trường nội địa xuất hiện 2 thương hiệu thời trang San Sciaro và Manhattan của Tổng Công ty May Việt Tiến. Thương hiệu này bao gồm các sản phẩm veston, ví da, dây nịt, cà vạt có giá bán từ 700.000 đồng đến 16 triệu đồng tùy loại. “Khách hàng mục tiêu là những doanh nhân thành đạt”, ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Việt Tiến, cho biết.
Với vốn đầu tư hơn 20 tỉ đồng, Việt Tiến đã khai trương 2 cửa hàng tại TP.HCM trong năm 2008 và đến nay chuỗi cửa hàng đã đạt con số 30 trong cả nước. Chiến lược của Việt Tiến là mở 80 cửa hàng vào năm 2015 tại các trung tâm thương mại cao cấp và mặt tiền khu vực trung tâm. Ông Kiệt cho hay trong năm thứ 2, việc kinh doanh 2 thương hiệu này đã hòa vốn và sang năm thứ 3 bắt đầu có lãi.
Năm 2006, một sản phẩm da giày được định vị ở phân khúc cao cấp cũng đã ra đời với thương hiệu Gosto. Người đặt nền móng xây dựng thương hiệu này là một cô gái khá trẻ vừa du học Canada trở về. Đó là Vưu Lệ Quyên, Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật và Kinh doanh Công ty Biti’s kiêm Giám đốc thương hiệu Gosto. “Tại sao hầu hết các doanh nghiệp da giày chỉ nhận gia công cho nước ngoài? Làm như vậy đến bao giờ ngành giày dép Việt Nam mới có vị thế trên thị trường quốc tế?”, cô nói. Từ đó, cô nảy ra ý tưởng xây dựng một thương hiệu thời trang cao cấp gồm quần áo, giày dép, túi xách cho thị trường nội địa và sau này giới thiệu ra thế giới. Giá các sản phẩm Gosto như giày dép, quần áo, túi xách từ 1-7 triệu đồng.

Vươn ra thế giới

“Điều tôi muốn nhấn mạnh là phải biết nhìn về tương lai vì nếu bây giờ không chịu làm thì 10 năm nữa làm sao có được một thương hiệu nữ trang lớn của Việt Nam trên thế giới”, bà Hạnh, CAO Fine Jewellery, cho biết. Bà cho rằng sau gần 6 năm ra mắt thị trường, hiện thương hiệu này đã tạm ổn và chiến lược tiếp theo là phải tiếp tục phát triển chuỗi cửa hàng để đạt con số 20 nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa vào cuối năm 2012, đồng thời phải kinh doanh có lãi nhiều hơn để giảm dần sự phụ thuộc tài chính từ công ty mẹ PNJ.
“Nếu không làm thì Việt Nam sẽ không bao giờ có được thương hiệu tầm cỡ thế giới được”, ông Kiệt, Việt Tiến, cho biết. Hiện nay, Việt Tiến đã có tổng đại lý phân phối tại Lào và Campuchia. Chiến lược của Công ty là sau 3-5 năm nữa sẽ xuất ngoại, trước hết là sang các nước trong khu vực, sau đó là sang Nhật, châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, cô Quyên, Gosto, tự tin: “Hoài bão của tôi là có một ngày Trung tâm Thời trang Gosto sẽ xuất hiện ngay tại kinh đô thời trang của Ý, Pháp và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, 5 năm vẫn chỉ là bước khởi đầu nên tôi không nôn nóng. Khi nào người dân trong nước đều cảm thấy tin tưởng sản phẩm của chúng tôi thì chúng tôi mới tiến ra nước ngoài”, cô cho biết.
Chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho rằng hiện đã có một số thương hiệu của Việt Nam tạm được xếp vào phân khúc cao cấp ở thị trường nội địa, thậm chí còn có chất lượng và dịch vụ ngang tầm quốc tế như sản phẩm gốm sứ Minh Long, Khai Silk.
Còn CAO Fine Jewellery, theo ông Hoàng, là một nỗ lực của PNJ để thâm nhập phân khúc nữ trang cao cấp và họ cũng gặp thuận lợi vì ngành nữ trang dựa trên sự khéo léo trong chế tác của người thợ kim hoàn. Tuy nhiên, công nghệ sáng tạo ra mẫu mã thì Việt Nam vẫn còn yếu. Do đó, tuy CAO Fine Jewellery có thể có vị trí nhất định trong nước, nhưng sẽ gặp thách thức rất lớn khi muốn tìm chỗ đứng trên thế giới.
“Trong ngành may mặc mà điển hình là thương hiệu Việt Tiến, hầu như tôi không nhìn thấy cơ hội để họ có thể chen chân vào phân khúc cao cấp của thế giới vì ngành này thường gắn liền với công nghiệp thời trang và các buổi biểu diễn hoành tráng tại những kinh đô thời trang quốc tế như Milano, New York, Paris”, ông Hoàng nói. Ngành này còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu cao cấp chỉ được sản xuất ở nước ngoài. Đây là điểm yếu của Việt Nam vì hiện nguyên phụ liệu ngành may chủ yếu vẫn là nhập khẩu do Việt Nam chưa có được ngành công nghiệp thời trang với những thương hiệu hàng đầu có thể chinh phục thị trường thế giới.
Một rào cản khác đối với quá trình “hóa rồng” là tâm lý sính ngoại. “Tôi từng chứng kiến một khách hàng chọn mua một đôi giày Gosto và mang đến quầy tính tiền. Nhưng sau khi biết sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, anh ta quyết định không mua nữa. Lúc đó, tôi hiểu được rằng đây là con đường còn lắm chông gai”, cô Quyên, Gosto, cho biết.
Ngoài ra, các sản phẩm cao cấp này thường gắn liền với thương hiệu quốc gia. Chẳng hạn, nói đến Ý là gắn liền với thời trang, nói tới đồng hồ nhớ tới Thụy Sĩ. Vì vậy, đối với những thương hiệu như CAO Fine Jewellery, Gosto, San Sciaro và Manhattan, dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn thiếu bệ đỡ nên việc chinh phục thị trường quốc tế là cả một thử thách lớn.
Ông Hoàng cho rằng để các thương hiệu cao cấp Việt Nam có thể thật sự “hóa rồng” cần phải có một số ưu đãi cho các doanh nghiệp tiên phong. Tiếp đến, phải quy tụ được nhân tài các nước đến Việt Nam làm việc. Ngoài ra, phải tuyên truyền để người Việt tự hào khi sử dụng hàng Việt. Cùng với đó là nỗ lực của các doanh nghiệp với cam kết lâu dài cùng kế hoạch truyền thông bài bản.
Việc xây dựng và phát triển những thương hiệu cao cấp sẽ tạo giá trị gia tăng cao thay cho việc lấy công làm lời. “Con đường còn dài nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không dám đi thì sẽ không bao giờ đến đích được và khi ấy, giấc mơ của họ vẫn chỉ là mơ ước mà thôi”, ông Kiệt, Việt Tiến, nhận xét
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư

Bài viết khác