Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Tham vọng Aeon

Mục tiêu doanh thu lên tới 18.000 tỉ đồng tại Việt Nam vào năm 2020 hứa hẹn sẽ đưa thương hiệu Aeon của Nhật dần trở thành một trong những tay chơi chính trên thị trường bán lẻ. Họ sẽ làm điều đó như thế nào?

The Japan Times, một trang báo mạng chính thống ở Nhật vừa đăng tải thông tin tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước này, Aeon, đã quyết định mua 30% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart và 49% cổ phần chuỗi siêu thị Citimart tại Việt Nam. Bước đi này nhằm tạo đột phá trong chiến lược đầu tư dài hạn vào thị trường tiềm năng thứ 2 chỉ sau Malaysia tại Đông Nam Á, theo Aeon.

Đi tắt và đón đầu

Đại gia bán lẻ Aeon từng có bước thăm dò thị trường Việt Nam hồi năm 2011, thông qua hợp tác với Tập đoàn Trung Nguyên mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop tại Việt Nam. Với chỉ xấp xỉ 20 cửa hàng được mở đến nay, có thể xem chuỗi Ministop là cuộc “hôn nhân chưa trọn vẹn” giữa Aeon và Trung Nguyên, so với hàng trăm cửa hàng tiện lợi của các chuỗi B’s Mart, Family Mart, Shop & Go, Circle K và mới nhất là Vin Mart đang đua nhau mọc lên khắp cả nước.
Tham vọng Aeon
Aeon đang lên chiến lược đưa Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ lớn thứ 2 khu vực, sau Malaysia.
Sau khi đã soi thật kỹ thị trường bán lẻ trong nước, đầu năm 2014, Tập đoàn Aeon mới chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam với Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon đầu tiên có vốn đầu tư hơn 100 triệu USD tại Khu Đô thị Celadon Tân Phú, TP.HCM.
“Hiệu quả kinh doanh vượt dự báo của chúng tôi với hơn 3 triệu lượt khách đến mua sắm chỉ trong 3 tháng đầu tiên, cùng hơn 120.000 thành viên đã trở thành khách hàng thường xuyên của Aeon Mall Celadon City”, ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết.
Từ phản hồi khá tích cực của thị trường, Aeon tiếp tục đầu tư dự án TTTM thứ 2 có vốn đầu tư hơn 95 triệu USD mang tên Aeon Mall Canary Bình Dương, có diện tích kinh doanh 50.000 m2.. TTTM này đã chính thức hoạt động từ tháng 11.2014.
Ðặc biệt, sự xuất hiện của 2 TTTM Aeon quy mô lớn tại TP.HCM và Bình Dương đã làm thị trường bán lẻ tăng nhiệt. Tuy là người đến sau, nhưng đại gia Nhật này đã tỏ ra không hề kém cạnh trong khả năng tranh chấp mặt bằng với các đối thủ bằng chiêu “đi tắt đón đầu”. “Chúng tôi tập trung vào khu vực ngoại thành, ưu tiên các khu đô thị mới như Celadon Tân Phú và Canary Bình Dương với diện tích rất lớn và thời gian thuê đất lên tới 50 năm”, ông Nishitohge, Aeon Việt Nam, chia sẻ.
Với tham vọng lớn sẽ mở tới 20 TTTM tại các đô thị lớn trong cả nước vào năm 2020, thị trường bán lẻ phía Bắc cũng đã được Aeon đưa vào tầm ngắm với Dự án TTTM Aeon Mall Long Biên đang trong quá trình triển khai. TTTM này sẽ có diện tích khoảng 100.000 m2, lớn hơn qui mô của 2 TTTM tại TP.HCM và Bình Dương. Dự kiến, Aeon Mall Long Biên sẽ khai trương vào tháng 9 năm nay thông qua hợp tác với Tập đoàn Him Lam.
Được biết, cả 3 TTTM Aeon Mall Celadon City Tân Phú, Canary Bình Dương và Long Biên Hà Nội có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD và được rót 100% vốn trực tiếp từ tập đoàn mẹ ở Nhật.
Trong kế hoạch phát triển trung hạn (2011 – 2013), Aeon đã đề ra chiến lược “chuyển sang châu Á” với Việt Nam là một trong những thị trường chủ lực. Theo đó, tập đoàn này sẽ đẩy mạnh phát triển tại Đông Nam Á và Trung Quốc; và mức doanh thu hằng năm chỉ riêng khu vực Đông Nam Á sẽ chiếm hơn 30% doanh thu toàn cầu. Nhằm đạt mục tiêu này, Aeon cũng đang lên chiến lược đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan; và trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực sau Malaysia.
Hiện Aeon đang khai thác khoảng 80 TTTM tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam với mô hình đầu tư chủ yếu là rót 100% vốn trực tiếp vào các dự án. Tập đoàn này cũng ít khi chọn hình thức tham gia góp vốn liên doanh hay mua bán, sáp nhập. Vậy thì vì sao nhà bán lẻ này quyết định “đi tắt” tại thị trường Việt Nam bằng cách thâu tóm 49% chuỗi Citimart và 30% chuỗi Fivimart?
Thực tế cho thấy, sau hơn một năm chính thức gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, Aeon đang dần nhận ra rằng cuộc chiến bán lẻ ở đây là không đơn giản. Với hàng loạt tên tuổi lớn như Metro, Big C, Co.opmart, rõ ràng chuyện tranh giành mặt bằng tốt là vấn đề không khoan nhượng. Vấn đề theo sau là chính sách đất đai, giá thuê đất và quan trọng hơn cả là việc đổ hàng tỉ USD như dự kiến vào Việt Nam. Nhưng nếu kinh tế biến động lớn làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng thì chắc chắn hiệu quả hoạt động có thể sẽ không đạt mức như kỳ vọng.
Với mục tiêu đưa doanh thu tại Việt Nam lên tới 18.000 tỉ đồng vào năm 2020, một trong những giải pháp khả dĩ nhất cho Aeon là tiến hành mua bán sáp nhập với các chuỗi bán lẻ trong nước. Chiến lược này nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, gia tăng thị phần trong cả nước, tăng cường kết nối với nhà sản xuất địa phương để gia công nhãn hàng riêng, cũng như tăng đáng kể lượng tiêu thụ sản phẩm Nhật tại Việt Nam…
Và kết quả là đại gia Aeon đã quyết định mua 49% chuỗi Citimart và 30% chuỗi Fivimart để tăng cường sức mạnh ở cả chiều rộng lẫn sâu. “Việt Nam sẽ sớm trở thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Bắt tay với các đối tác địa phương sẽ là một yếu tố quan trọng, bởi chúng tôi không thấy có khả năng chiến thắng nếu cứ cố gắng phát triển độc lập”, ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn Aeon, nói với The Japan Times mới đây.
Về phía bên bán, trùng hợp với thời điểm khai trương TTTM Aeon Mall Canary Bình Dương hồi tháng 11.2014, Aeon cũng chốt luôn thương vụ mua 49% cổ phần chuỗi Citimart với tên gọi mới là AeonCitimart. Không tiết lộ giá trị thương vụ, nhưng ông Lâm Minh Huy, Chủ tịch Citimart, cho biết sau khi trở thành đối tác chiến lược, Aeon sẽ giúp đơn vị này thay đổi việc quản trị hệ thống, hỗ trợ gắn kết thương hiệu và thay đổi cả phương pháp điều hành. “Hai bên sẽ cùng khai thác nguồn hàng từ Việt Nam và Nhật, phát triển nhanh chuỗi siêu thị AeonCitimart với mục tiêu đạt mức 500 siêu thị đến năm 2025”, ông Huy nói.
Citimart đang có gần 30 siêu thị chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam. Trong khi đó, chuỗi Fivimart thuộc quyền điều hành và quản lý của Công ty Cổ phần Nhất Nam. Hệ thống này đang có 18 siêu thị ở Hà Nội và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30 siêu thị trên toàn quốc.
Rõ ràng, thương vụ với Citimart ở miền Nam và Fivimart ở phía Bắc là một toan tính chiến lược của Aeon tại Việt Nam.

Bán lẻ thêm kịch tính

Như vậy, sau khi Aeon đã “lật bài”, thế trận bán lẻ Việt sẽ tiếp tục là sự áp đảo của khối ngoại trước nhà bán lẻ nội.
Sau khi đã hoạt động khá ổn định tại thị trường trong nước trong hơn 10 năm qua, 2 chuỗi bán lẻ ngoại quy mô khá lớn là Metro (19 siêu thị) và Big C (26 siêu thị) có vẻ đang tạm thời “áng binh” để củng cố lực lượng và quan sát đối thủ cạnh tranh.
Trong khi đó, thương hiệu bán lẻ Saigon Co.op, đơn vị dẫn đầu tổng doanh thu tại thị trường Việt Nam trong năm 2014 theo Retail Asia Publishing, vẫn tiếp tục mở rộng các chuỗi bán lẻ của mình trong cả nước. Đây cũng là nhà bán lẻ nội địa duy nhất có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu ngoại.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op, cho biết hồi năm 2010, nhà bán lẻ này từng đặt mục tiêu sẽ đạt mức 100 siêu thị Co.opmart vào năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc tìm đất để phát triển siêu thị không thuận lợi nên ông cùng cùng ban lãnh đạo đã điều chỉnh, triển khai những mô hình khác. Ðó là lúc mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food ra đời. Không chỉ phát triển đa dạng các loại hình bán lẻ, lĩnh vực truyền thống vẫn đang được Saigon Co.op tiếp tục củng cố. Tháng 12 vừa qua, Co.opmart thứ 74 đã được khai trương tại tỉnh Đồng Tháp.
Năm 2013, Saigon Co.op cũng đã mở đại siêu thị đầu tiên mang tên Co.opXtra tại TP.HCM có qui mô gấp 4 – 5 lần, lượng hàng hóa gấp 2 – 3 lần so với một siêu thị Co.opmart. Dự kiến, Saigon Co.op sẽ phát triển khoảng 2 – 3 đại siêu thị mỗi năm để đạt mức 20 đại siêu thị vào năm 2020.
Hướng tới mục tiêu đa dạng hóa các mô hình bán lẻ, Saigon Co.op cũng tham gia góp gần 40% vốn trong dự án liên doanh với Mapletree (Singapore) để đầu tư TTTM SC VivoCity tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM có giá trị lên tới 100 triệu USD. Dự án đã hoàn tất và chuẩn bị đưa vào hoạt động trong quý II năm nay.
“Với những mô hình mới này, Saigon Co.op đã đi nhanh hơn so với dự định ban đầu. Chiến lược đa dạng loại hình bán lẻ gồm đại siêu thị, trung tâm thương mại, khu phức hợp của chúng tôi là nhằm phủ kín các phân khúc khách hàng và tạo thế cân bằng, phá vỡ độc quyền của khối ngoại”, ông Hòa nhận định.
Thế trận bán lẻ Việt nay đã được phân định khá rõ với một bên là các thương hiệu ngoại có quy mô lớn gồm Aeon, Metro, Big C và bên kia là Saigon Co.op. Đây là 4 tên tuổi có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với ngành bán lẻ trong nước, ít nhất trong vòng 5 – 10 năm tới. Chắc chắn, cuộc chiến giữa này cũng đang trở nên kịch tính hơn bao giờ hết.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Address

195 Phan Văn Hân, Phường 17
Quận Bình Thạnh, TP HCM