Giấc mơ nâng tầm thương hiệu “Bánh mì Việt”
Giấc mơ “thương hiệu chuỗi” cho thức ăn nhanh Việt đang được thực hiện bởi hai ông chủ trẻ của “Bánh mì Việt” tại TP.HCM.
Đã từ lâu rồi, nhiều doanh nhân Việt nung nấu đưa những món ăn truyền thống của người Việt thành thương hiệu chuỗi được yêu chuộng như các món ăn ngoại nhập McDonald’s, KFC hay Lotteria…
Tham vọng từ hè phố
Nguyễn Viết Đạo và Lê Văn Cường, hai ông chủ trẻ của “Bánh mì Việt” tại TP.HCM, đã có chuỗi ngày ngồi đồng ở những tiệm bánh mì hè phố. Có những ngày Đạo nhẩm tính từ 4g chiều tới 10g khuya, cả ngàn ổ bánh mì của một tiệm bánh lâu đời trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) được bán hết veo!
Nhưng đó chẳng phải là lý do duy nhất mà Đạo và Cường từ bỏ công việc văn phòng để… ra vỉa hè đếm người ta mua bán bánh mì.
Ông chủ Nguyễn Viết Đạo trực tiếp phục vụ khách tại cửa hàng Bánh mì Việt
trên đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa
Ý tưởng về một cửa hiệu bánh mì có thương hiệu cứ thôi thúc khiến hai anh chàng vốn có công việc nhàn nhã ở văn phòng đã bỏ việc để mở cửa hàng. Họ đi làm công cho các lò bánh mì nhiều tháng để học cách làm bánh mì, nhân bánh theo khẩu vị riêng, không đụng hàng.
Từ khi mở tiệm Bánh mì Việt đầu tiên vào năm 2010 tại khu ăn uống trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), sau bốn năm đến nay Bánh mì Việt đã có hai cửa hàng tại Q.Phú Nhuận và Q.1. “Khi kinh tế xuống đáy là lúc cho những sự khởi đầu trỗi dậy. Tuy mình không mạnh như các thương hiệu fast food ngoại về cả vốn lẫn thị trường, nhưng với sự khởi đầu trong thời điểm hàng loạt các thương hiệu đình đám mới rớt đài hoặc đang xuống dốc lại chính là cơ hội cho Bánh mì Việt”.
Đạo nói: “Nét truyền thống của Bánh mì Việt với ổ bánh mì dài, đặc ruột và nhân kẹp thịt quen thuộc cũng là điểm cạnh tranh với khẩu vị ngoại còn xa lạ với thói quen ẩm thực của người Việt”.
Thương hiệu “fast food” Việt
Ông Trần Công Thành, đại diện Câu lạc bộ Khởi nghiệp và đầu tư TP.HCM, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về ông chủ của Bánh mì Việt. Đó là một người trẻ dám làm và đầy nhiệt huyết. Khó có thể tin từ một công chức an nhàn, anh lại chọn con đường gồ ghề để khởi nghiệp và có hoài bão đẹp khi muốn đưa thương hiệu Bánh mì Việt ngang tầm với các món fast food ngoại đang làm mưa làm gió trong thị trường nội địa hiện nay”.
Mơ về một thương hiệu fastfood Việt là ước mơ lớn nhất của Đạo và Cường khi xây dựng chuỗi cửa hàng Bánh mì Việt. Sự ủng hộ của khách hàng như chất men say làm hai ông chủ Bánh mì Việt càng hứng thú với sự nghiệp đã gầy dựng suốt bốn năm trời.
“Có những đơn hàng hàng trăm ổ bánh mì cho các công ty, cơ quan, đoàn làm phim khiến tôi rất ngạc nhiên và hứng khởi. Về sau mới lý giải được là họ cũng có tâm lý giống tôi khi còn là sinh viên. “Ngon, nhanh, gọn, rẻ” – chính là tiêu chí của những bữa trưa “nhanh” hay các buổi làm việc cần tiết kiệm tối đa thời gian, tiền bạc cho ăn uống. Đó cũng là lý do mà nhiều chuỗi fastfood ngoại thành công trên toàn cầu” – Đạo nhận định.
Trăn trở lớn của Đạo khi khởi nghiệp từ bánh mì là việc làm thế nào để đưa những ổ bánh mì vốn quen thuộc từ các xe bánh mì lề đường lên tầm “fast food Việt”. Tuy rẻ và thông dụng nhưng ở các tiệm bánh mì lề đường, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là trở ngại với mô hình kinh doanh này.
Đây cũng là điểm mà fast food ngoại ăn đứt thị trường Việt. Cũng sản phẩm đó, doanh nghiệp nước ngoài biết cách tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng bao bì rõ ràng, có chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm và có xuất xứ, kiểm định thường xuyên. Còn nhiều sản phẩm của người Việt vẫn có thói quen tạm bợ, chụp giật nên không thể tồn tại lâu dài.
Đã có lúc “Bánh mì Việt” phải trả giá cho tham vọng do vội vã. Đó là trong khoảng đầu năm 2014, Đạo đưa Bánh mì Việt vào Trung tâm thương mại Vincom thử sức. Sau hai tháng, tình trạng ế ẩm chung của nhiều nhãn hàng do kinh tế khó khăn, cũng như những yếu tố chủ quan đã khiến Bánh mì Việt “rớt đài”.
“Từ đây tôi rút ra được nhiều điều. Đó là bài học nắm bắt thị trường tiêu dùng và cân đối vốn phát sinh. Ở Vincom tuy vị trí đẹp nhưng chi phí phát sinh quá cao. Thêm vào đó, “Bánh mì Việt” chưa phù hợp với đối tượng khách hàng ở Vincom. Vì phần lớn người tiêu dùng vào đó thường có tâm lý thưởng thức những món ăn lạ, đắt đỏ hơn là những món fast food quen thuộc” – Cường lý giải.
Hiện nay thị trường fast food đang trong giai đoạn sôi động do những thương hiệu fast food quốc tế ồ ạt đổ bộ vào VN. Họ cố gắng thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt và đang chiếm lợi thế so với các doanh nghiệp trong nước do năng lực của họ quá lớn về tài chính cũng như quản trị. Bởi thế hiện tại Bánh mì Việt cũng đang gặp rất nhiều thử thách.
Chiến lược cũng như định hướng của Bánh mì Việt là trong 2-3 năm nữa mới thật sự ổn định để tiếp tục phát triển thêm chuỗi cửa hàng mới. “Và tại sao không hi vọng khi những du khách nước ngoài thường lặng lẽ, tò mò và thích thú với bánh mì Việt khi ghé qua cửa hàng “fast food” Việt nho nhỏ trên đường Cống Quỳnh và mang theo như một “nỗi nhớ” khó quên khi rời TP.HCM” – Đạo lạc quan và dí dỏm.
Việt Hoàng – Tuổi Trẻ