Quá trình tiến hóa của thiết kế logo trên thế giới
Sẽ ra sao nếu chúng ta xem logo là một con người? Đó hẳn là một loài đã tồn tại và phát triển cùng con người qua rất nhiều thời kỳ, và để đứng vững được đến ngày hôm nay, thực chất logo đã đi qua những bước tiến vượt bậc nào?
Các quá trình “tiến hóa” của logo 1800 (Logo Hobilis):
Vào thời điểm này, logo thực tế vẫn chỉ là những hình vẽ hoặc ký tự nhằm mục đích trang trí hoặc minh họa. Lúc này, hầu như logo đều được thiết kế không màu với 2 sắc độ trắng – đen và phần chữ hoàn toàn được viết tay.
1800 – 1900 (Logo Erectus):
Với sự đổi mới không ngừng, logo đã dần phát triển theo hướng phức tạp hơn với những chi tiết hình khối và kích thước đa dạng. Những thiết kế logo đầu tiên được phát minh ra bởi các thương gia vào thời đại của nữ hoàng Victoria, điển hình là thương gia John Cadbury. Màu đỏ vào thời điểm này được xem là màu cực thịnh trong thiết kế logo như Coca Cola, Bass…
1900 – 1930 (Logo Antecessor – Tổ tiên của logo hiện đại):
Với sự ra đời của công nghệ in màu và ngành công nghiệp quảng cáo, thiết kế logo có xu hướng sử dụng hình ảnh quốc gia, hàng hải, huy chương, và nông nghiệp để công chúng có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa của các biểu tượng này. Ví dụ như biểu tượng quốc gia và huy chương (trang phục, quốc kỳ…) biểu hiện cho giá trị và địa thế cao cấp, trong khi biểu tượng hàng hải và nông nghiệp (biển, phao cứu sinh, lúa mì và vật nuôi) đại diện cho sự tinh khiết và tươi mát…
1930 – 1980 (Logo Rhodesiensis – Logo đơn giản hóa):
Những nhà thiết kế đồ họa vĩ đại như Paul Rand, Milton Glaser và Alan Fletcher đã cách mạng hóa những yếu tố nghệ thuật trong thiết kế logo, đồng thời, phát minh ra những nguyên tắc đơn giản mà đến nay vẫn được vận dụng trong lĩnh vực thiết kế. Lúc này, hệ màu CMYK đã ra đời để phục vụ cho các phương tiện in ấn mục đích truyền thông cho thương hiệu; song song với điều đó, bộ font chữ Helvetica lại được trọng dụng hơn bao giờ hết, điển hình là các thương hiệu American Airlines, Nestle, Panasonic, 3M và Toyota…
1980 đến nay (Logo Sapiens – Logo hiện đại):
Ngày nay, các thiết kế logo đều phát triển theo hướng đơn giản, linh hoạt và có thể áp dụng vào mọi phương tiện và dĩ nhiên, luôn được xây dựng dựa trên định hướng thương hiệu.
Vì sao lại xảy ra quá trình “tiến hóa” trên?
Nói như Naomi Klein, tác giả quyển sách nổi tiếng No Logo, “để tạo dựng thành công một tập đoàn đa quốc gia, thứ bạn cần sản xuất không phải là sản phẩm, mà là thương hiệu”. Và đương nhiên, không phương pháp nào có thể đánh dấu thương hiệu của bạn rõ ràng và hiệu quả hơn logo.
Logo không đơn thuần là một thiết kế chỉ để làm đẹp mắt mà đó chính là cách mà thương hiệu muốn giao tiếp với khách hàng như thế nào. Đó là lý do vì sao để trở lại thị trường vào năm 2000, tập đoàn dầu khí Anh BP đã chi hơn 136 triệu bảng Anh (khoảng hơn 4.622 tỷ đồng) cho việc thiết kế lại logo hoa hướng dương được cách tân mà chúng ta đã thấy ngày bây giờ.
Ngày nay, trong Kỷ Nguyên Thương Hiệu (Brand Era), cuộc sống con người ngày càng phong phú đến mức phức tạp, do đó, lượng thông tin lẫn hình ảnh sẽ dễ dẫn đến tình trạng “quá tải”. Mỗi ngày, một lượng lớn hình ảnh sẽ được ghi nhận vào não khi chúng ta xem TV, lướt tạp chí hoặc thậm chí là lái xe trên đường. Chính vì thế, một logo thông minh là một logo đi theo concept “Less is more” (tạm dịch: càng đơn giản càng tốt); bởi lẽ, logo càng đơn giản, khả năng khách hàng nhận diện thương hiệu càng nhanh chóng.
Hơn hết, các thương hiệu sẽ tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực mới và nhà thiết kế nhận diện thương hiệu sẽ có lúc không hài lòng với logo của họ. Họ nhận thức sự thay đổi của các nền văn hóa xung quanh và khao khát được giữ vai trò chủ động trong việc thiết kế và hướng logo của họ theo một xu hướng của thời đại hoặc thậm chi là đi trước và đón đầu thời đại. Chính vì thế, sự phát triển và đổi mới không ngừng là điều tất yếu, tuy nhiên, cũng đừng quên, một thiết kế mang đậm giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa theo thời gian mới là lý tưởng mà các nhà thiết kế nên hướng đến.
Xu hướng thiết kế logo 2016
Logo là một phần quan trọng nhất của bộ nhận diện thương hiệu. Chúng được xem như là tiếng nói của thương hiệu. Khi các công ty ngày càng phát triển, họ cần phải khác biệt hóa thương hiệu của mình một các rõ nét hơn, bằng nhiều chất lượng và phong cách đa dạng hơn. Việc thiết kế logo ngày càng phát triển và được xem trọng. Sau đây là những xu hướng thiết kế logo được dự đoán sẽ làm bùng nổ năm 2016.
Thiết kế phẳng: Thiết kế phẳng vẫn đang tiếm tục chiếm thế thượng phong trong các xu hướng thiết kế đồ họa, thiết kế logo cũng không ngoại lệ.
Nếu vào thế kỷ 19-20 và đầu thế kỷ 21, các thiết kế luôn hướng theo phong cách tả thực với rất nhiều những chi tiết, mức độ phức tạp cao thì đến nay, thiết kế phẳng là một lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả hơn hết bởi các đặc tính khả năng tập trung vào nội dung chính cũng như thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải.
Ngày nay, con người đã bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về khả năng sử dụng lõi và xây dựng những thứ phục vụ hiệu quả cho khả năng sử dụng chứ không phải chỉ đáp ứng đơn thuần cho khía cạnh thẩm mỹ. Chính vì thế, một thiết kế logo hoàn hảo sẽ đáp ứng được những tiện nghi cho con người khi sử dụng một cách nhanh chóng và đa dạng trên các kích thước và phương tiện thể hiện.
Typography logo: Năm 2015 là năm của kỹ thuật thiết kế typography logo. Đây là một dạng logo chữ được cách điệu sao cho mang nhiều ý nghĩa tượng hình trong đó. Logo đơn giản chỉ có tên công ty. Điều này sẽ giúp cho công ty thể hiện cá tính của mình một cách rõ nét hơn và hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu một cách trực tiếp hơn.
Low polygon – sử dụng mảng đa giác: Trước đây, kỹ thuật này chủ yếu chỉ được ứng dụng trong thiết kế phông nền. Kể từ năm 2015, nó bắt đầu được chú ý trong các thiết kế logo. Kỹ thuật này mang lại hiệu ứng 3 chiều giúp cho logo trông có vẻ nổi bật lên trên trang giấy của bạn, kích thích thị giác người xem một cách đầy thú vị và thể hiện sự sâu sắc trong thương hiệu.
Negative space logo – không gian âm: Nếu bạn thích sự tối giản, hãy thử sử dụng phong cách thiết kế logo này. Thay vì thêm vài trong logo nhiều những chi tiết có thể khiến cho chúng trở nên phức tạp, sử dụng những không gian âm sẽ giúp cho logo có thêm những đường nét thú vị và bất ngờ. Điều này cực kỳ hiệu quả đối với các logo đen trắng.
Overlapping – hiệu ứng chồng lấn: Đây là một trong những kỹ thuật hàng đầu của thiết kế logo. Kỹ thuật mang lại thị giác 3 chiều bằng việc sử dụng các màu sắc tương phản và đổ bóng giúp cho logo có thêm chiều sâu.
Calligraphy & Hand Lettering: Phong cách này sẽ giúp cho logo của bạn mang một vẻ tự nhiên giống như được viết bằng tay. Logo theo phong cách này cũng sẽ mang lại cho khách hàng cảm giác tin tưởng về nguồn gốc của sản phẩm. Không những vậy, khi các thương hiệu sử dụng các kiểu chữ viết tay để giao tiếp với khách hàng, khách hàng sẽ cảm thấy họ được trân trọng nhiều hơn và đồng thời sẽ tạo cho họ ấn tượng đây là một thương hiệu chuyên nghiệp và đầy sáng tạo.
Gradients logo – chuyển màu: Logo được tạo ra bằng công cụ lưới, không giới hạn trong việc sử dụng màu và hình ảnh, sự chuyển động mượt mà giữa các màu này sang màu khác mang lại cảm hứng vô tận cho nhiều nhà thiết kế. Việc sử dụng logo này sẽ mang đến cho thương hiệu một hình ảnh sáng tạo đầy màu sắc không giới hạn.
Retro logo: Xu hướng retro logo sẽ tiếp tục gây nhiều cảm hứng cho các nhà thiết kế trong năm 2016. Việc hết hợp giữa các phông chữ tối giản trên nền cổ điển hoặc trong các dạng hình học sẽ là một xu hướng kết hợp phát triển đầy tiềm năng. Retro logo thích hợp cho các nhà hàng hoặc các quán rượu mang phong cách cổ điển, thanh lịch và đem lại sự tin tưởng cho thương hiệu.
Kết luận
Suy cho cùng, thiết kế logo vẫn là một nghề thủ công rất đặc biệt, nhưng thay vì mày mò điêu khắc hoặc vẽ tay, con người lại được phục vụ bởi các công cụ như Photoshop và Illustrator với sự phát triển nhanh đến mức chóng mặt khiến cho việc thiết kế nói chung và thiết kế logo nói riêng trở nên dễ dàng hơn trước đây. Ở bất cứ thời đại nào, không gian nào, dù công nghệ thiết kế có bị giới hạn đến đâu thì khả năng tưởng tượng và óc sáng tạo của con người là vô hạn, chỉ khi ta biết tận dụng và khai thác triệt để những công cụ thực thi ý tưởng, chúng ta sẽ có được những thiết kế để đời đến không tưởng.
Chính vì thế, một nhà thiết kế đích thực là một người luôn từng ngày từng giờ nghiên cứu các bước tiến hóa cho các thiết kế của mình mà thậm chí không cần ai phải thúc ép những ý suy nghĩ ấy, đơn giản vì thiết kế là nghiệp chứ không phải là nghề.
An Du – RGB