Background

The Blog

We are willing to take the best services for you.

Asus: Từ kẻ làm thuê trở thành đối thủ đáng gờm

Cách đây một thập kỷ, Asus là cái tên chẳng ai biết đến. Thế nhưng ngày nay, bạn có thể thấy nhan nhản những chiếc máy tính logo Asus, những chiếc điện thoại Zenfone bán rất chạy tại Việt Nam. Đâu là con đường thành công của công ty Đài Loan này?

Asus được thành lập năm 1989, khi bốn kỹ sư từng làm việc cho Acer là Wayne Hsieh, Ted Hsu, MT Liao và TH Tung quyết định tự thành lập công ty để đẩy mạnh ngành công nghiệp CNTT của Đài Loan.
Họ đã chọn cái tên Pegasus, chú ngựa thần có cánh biểu tượng cho nguồn cảm hứng nghệ thuật và học thuật trong thần thoại Hy Lạp. Chú ngựa Pegasus là hiện thân cho sức mạnh, sự thuần khiết, và tinh thần phiêu lưu mạo hiểm của sinh vật huyền thoại này, và luôn nỗ lực vươn đến tầm cao mới với mỗi sản phẩm sáng tạo nên. Nhưng sau đó cái tên này được rút gọn chỉ còn là Asus với mục đích đưa tên công ty đứng đầu trong danh sách các công ty nhờ vần “a”.
Asus: Từ kẻ làm thuê trở thành đối thủ đáng gờm
Trái với hiện tại, Asus lúc bấy giờ chỉ là một công ty nhỏ tại Đài Loan, chuyên sản xuất bo mạch chủ. Sau một lần Asus nhận được hợp đồng sản xuất 486 bo mạch chủ cho vi xử lý Intel vào cuối những năm 80, công ty này bắt đầu tập trung nhiều hơn vào sản xuất phần cứng. Bằng cách này, Asus bắt đầu chào bán cổ phần công khai vào năm 2005 và lớn mạnh lên kể từ đó.
Bo mạch chủ của Asus được lắp đặt trên 29,2% tổng số máy tính để bàn bán ra trong năm 2009. Cũng trong năm đó, doanh thu của công ty này lên tới 21,2 tỷ USD.
Để giúp công việc kinh doanh trở nên thuận lợi hơn, năm 2007, Asus tách ra thành ba công ty có tên Pengatron (chuyên về sản xuất linh kiện PC và các thiết bị OEM), Unihan (chuyên sản xuất các linh kiện không dành cho PC) và Asus thì tập trung vào sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng, máy chủ và điện thoại thông minh vv…
Từ khởi đầu khiêm nhường là một nhà sản xuất bo mạch chủ với ít nhân viên, Asus đã vươn lên thành một doanh nghiệp công nghệ đứng đầu Đài Loan với hơn 12.500 nhân viên trên toàn thế giới.
Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc laptop Asus giá rẻ, chất lượng khá tốt, hay những chiếc điện thoại Zenfone bán rất chạy ở Việt Nam. Tất cả đều mang trên mình logo của Asus. Và ngay cả đến chiếc iPhone bạn cầm trên tay cũng có vài phần linh kiện được sản xuất bởi Pengatron, một công ty tách ra từ chính Asus.
Asus: Từ kẻ làm thuê trở thành đối thủ đáng gờm
Vậy con đường thành công của “chú ngựa thần” này xuất phát từ đâu?
Có một câu chuyện vô cùng nổi tiếng được nhiều người nhắc đến như là một lời nhắc nhở và cũng là một bài học kinh doanh cho tất cả các công ty bây giờ. Đó là câu chuyện đằng sau hai hãng máy tính Asus và Dell được trích trong cuốn sách: “How will you measure your life” của tác giả Clayton M. Christensen & James Allworth & Karen Dillon. Đây chính là bí quyết thành công của những công ty nhỏ như Asus và cũng là bài học cho những công ty muốn tăng nhanh hiệu quả sử dụng vốn mà dần đánh mất đi bản sắc giống như Dell.
Dell bắt đầu có những bước đi lớn từ những năm 1990. Ban đầu công ty này chỉ sản xuất những chiếc máy tính đơn giản với giá thành thấp và chủ yếu bán hàng của mail hoặc qua web. Sau đó Dell chuyển lên sản xuất những chiếc máy tính ngày càng cao cấp hơn. Dấu mốc thứ hai trên con đường phát triển của Dell là việc công ty này bắt đầu sản xuất những chiếc máy tính dạng lắp ghép, cho phép người sử dụng tự tùy chỉnh sản phẩm của mình bằng cách chọn các thiết bị họ muốn để lắp ráp thành một chiếc máy tính hoàn thiện. Dell sẽ lắp ráp và sau đó chuyển hàng đi trong vòng 48 tiếng – một thành tích đáng nể lúc bấy giờ. Giai đoán tiếp theo của Dell đánh dấu bằng việc công ty này quyết định sử dụng số vốn của mình một cách hiệu quả hơn, thu về nhiều lợi nhuận hơn từ số tiền bỏ ra. Ba dấu mốc này chính là những chiến lược chính trong con đường thành công của Dell.
Asus: Từ kẻ làm thuê trở thành đối thủ đáng gờm
Tuy nhiên, có một điều bất ngờ đó là: chính Asus lại là nguyên nhân đưa Dell đến với dấu mốc thứ ba. Giống như Dell, Asus bắt đầu bằng việc cung cấp các thiết bị đơn giản ví dụ như ổ điện cho Dell với giá thấp hơn giá mà Dell tự sản xuất.
Một ngày, Asus đến gặp Dell với một lời đề nghị hấp dẫn: “Chúng tôi đã sản xuất những ổ điện rất tốt cho các ông. Hãy để chúng tôi cung cấp bo mạch chủ cho những chiếc máy tính luôn. Sản xuất bo mạch chủ không phải là thế mạnh của các ông mà là thế mạnh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp các sản phẩm này với giá thấp hơn 20%”. Các chuyên gia phân tích của Dell nhận thấy nếu để Asus sản xuất bo mạch chủ, họ không chỉ làm tốt hơn mà còn có thể giúp Dell xóa phần tài sản liên quan đến việc sản xuất bo mạch chủ ra khỏi bảng cân đối kế toán.
Một trong những phương pháp được sử dụng để tính toán hiệu quả sử dụng vốn là RONA (Return on Net Asset) hay chính là phép chia thu nhập của công ty trên tài sản thực. Một công ty được đánh giá là thu được nhiều lợi nhuận hơn khi tăng thêm doanh thu hoặc giảm tài sản thực.
Việc tăng doanh thu có phần khó hơn việc giảm tài sản thực vì họ chỉ cần đơn thuê ngoài một số khâu là có thể thực hiện điều này. Nếu Dell có thể thuê Asus sản xuất bo mạch chủ, nó chính là một cách để tăng RONA. Dell nói với Asus: “Ơn Chúa, đó là một ý tưởng tuyệt vời. Các ông có thể sản xuất bo mạch chủ”. Thỏa thuận này có lợi cho cả đôi bên.
Một thời gian sau, Asus lại đến gặp Dell và nói: “Chúng tôi đã sản xuất cho các ông những bo mạch chủ rất tốt, tại sao không để chúng tôi lắp ráp toàn bộ chiếc máy tính cho các ông? Lắp ráp linh kiện không phải là việc giúp các ông thành công. Chúng tôi có thể giúp các ông xóa bỏ toàn bộ phần tài sản liên quan đến việc sản xuất còn lại trong bảng cân đối kế toán và thậm chí giảm giá 20%”.
Các nhà phân tích của Dell nhận ra ngay đây là một cơ hội kiếm thêm lời. Càng nhiều tài sản thực được giảm đi, phần lợi nhuận sẽ càng tăng lên. Quy trình này tiếp tục khi Dell đi thuê cả việc quản lý chuỗi cung ứng và thiết kế máy tính của chính họ. Dell gần như đã thuê ngoài mọi thứ bên trong công việc kinh doanh máy tính cá nhân của công ty. Họ giao cho Asus mọi thứ, ngoại trừ chiếc logo của Dell. Hiệu quả sử dụng vốn của Dell tăng lên rất cao vì công ty này còn lại rất ít tài sản.
Đến năm 2005, Asus công bố thương hiệu máy tính của riêng. Asus đã lấy tất cả những gì họ học được từ Dell để áp dụng vào sản phẩm của mình. Nó bắt đầu từ hành động đơn giản nhất trong chuỗi giá trị, sau đó từ quyết định này đến quyết định khác, Dell dần dần trao hết mọi thứ cho Asus.
Những con số về lợi nhuận tăng lên khiến Dell cảm giác mình đang thành công và đi đúng đường, nhưng những con số đây không phản ánh được hậu quả của những quyết định làm thay đổi tương lai của Dell.
Dell bắt đầu với tư cách là một công ty máy tính hấp dẫn nhất, nhưng chỉ trong vòng vài năm, những chiếc máy tính ấy không còn mang bản sắc của Dell nữa. Dell không tự vận chuyển những thiết bị của mình, cũng không cung cấp những dịch vụ liên quan đến chiếc máy tính của mình. Nó chỉ đơn giản là để công ty Đài Loan cộp mác “Dell” lên trên thiết bị của họ.
Asus đã tận dụng tất cả những gì học được ở Dell, từ việc sản xuất, lắp ráp và thậm chí cả quản lý chuỗi cung ứng. Những chiếc máy tính của Asus trở nên rất hấp dẫn bởi lời quảng cáo: “Chất lượng tốt như Dell với giá thành thấp hơn 20%”. Những năm tháng vô danh của Asus đã kết thúc và được bù đắp xứng đáng. Và đó chính là bí quyết thành công của Asus.

 

Theo: ICT News

Bài viết khác