Phạm Đình Nguyên bắt tay Trần Lệ Nguyên: Liệu có còn nguyên?
Khi ông chủ thương hiệu cà phê Phindeli Phạm Đình Nguyên quyết định bắt tay hợp tác với Trần Lệ Nguyên của bánh kẹo Kinh Đô, vị thế thương hiệu cà phê PhinDeli trên thị trường ra sao vẫn là một ẩn số. Nhưng với vai trò là cổ đông chiến lược nắm cổ phần chi phối, khả năng Kinh Đô “ẵm trọn” PhinDeli là rất lớn.
Màn “song kiếm hợp bích” ăn ý
Sau gần 1 năm tung thương hiệu cà phê PhinDeli trên cả hai thị trường Việt Nam và Mỹ, nhà sáng lập Phạm Đình Nguyên đã chọn Kinh đô làm đối tác chiến lược, với tỷ lệ cổ phần chi phối, nhưng không được tiết lộ cụ thể. Chỉ biết rằng, về với Kinh Đô, ông Nguyên sẽ giữ vai trò Tổng giám đốc (CEO), còn đại diện Kinh Đô giữ vai trò Chủ tịch HĐQT.
“Muốn đi nhanh, ta có thể đi một mình. Nhưng muốn đi xa, ta phải đi cùng với bạn”
ông Phạm Đình Nguyên chia sẻ
Ý định chọn Công ty cổ phần Kinh Đô làm cổ đông chiến lược chỉ đến sau khi Công ty PhinDeli có mặt trên thị trường. Đó là lúc, ông Nguyên cùng các cộng sự lên kế hoạch tung dòng sản phẩm cà phê hòa tan, sau khi ổn định với dòng cà phê rang xay.
Riêng với dòng cà phê rang xay, hiện PhinDeli vẫn vận hành êm thấm, vì hệ thống phân phối chỉ xuất hiện ở chuỗi các siêu thị và một số cửa hàng trọng điểm tại những thành phố lớn, chủ yếu ở TP.HCM.
Thế nhưng, đối với cà phê hòa tan, lại là câu chuyện khác. Nó cần một hệ thống rộng khắp cả nước, với tốc độ nhanh chóng. Và ông Nguyên cảm thấy PhinDeli sẽ khó có thể phát triển nhanh. Hơn nữa, nếu có làm được, cũng ngốn không ít vốn, mà không hiệu quả và tốn nhiều thời gian. Ông Nguyên đã tìm đến với Kinh Đô, một công ty hàng tiêu dùng không xa lạ với ông và có hai anh em ông Trần Lệ Nguyên (Phó chủ tịch HĐQT) và ông Trần Kim Thành (Chủ tịch HĐQT) là những bậc đàn anh luôn gắn bó mật thiết, cho ông những “chiêu” đầu tư táo bạo, nhưng sinh lời.
“Muốn có hệ thống phân phối nhanh, rộng và hiệu quả nhất không một công ty hàng tiêu dùng nào có thể giúp chúng tôi đi nhanh hơn là hợp tác với Kinh Đô. Hơn nữa, bánh kẹo đi chung với cà phê sẽ rất hợp”, ông Nguyên bày tỏ.
Còn đối với Kinh đô, việc kéo PhinDeli về phía mình có nghĩa là Kinh đô phải phát triển ngay từ đầu thương hiệu này. Vậy đâu là điểm Kinh đô sẽ tận dụng được từ PhinDeli và ngược lại?
Trước hết, bản thân Kinh Đô đã xác định, cà phê cùng với mỳ gói và dầu ăn là 3 ngành hàng chiến lược mũi nhọn mà họ muốn tham gia.
Tổng giám đốc Kinh Đô, ông Trần Lệ Nguyên cũng không giấu giếm khả năng sẽ gặp khó khăn khi phải xây dựng một thương hiệu ngay từ đầu. Bản thân Kinh Đô cũng mất hơn một thập kỷ mới có thể xây dựng được thương hiệu như hiện nay.
Trong khi đó, PhinDeli dù mới khai sinh chưa đầy 1 năm, nhưng nhờ cách nghĩ “không gì không thể”, cũng đủ khiến các tên tuổi lớn không thể làm ngơ.
“Khi tôi gặp và trao đổi với anh Trần Lệ Nguyên về kế hoạch hợp tác, anh ấy rất hào hứng. Một bên thì có thương hiệu mạnh và một bên thì có hệ thống phân phối rộng – giống như song kiếm hợp bích vậy. Còn tôi sẽ nhanh chóng có được hệ thống phân phối có sẵn. Nghĩa là, tất cả các sản phẩm của PhinDeli sắp tới sẽ do Kinh Đô phân phối, vừa hiệu quả về chi phí, vừa được phủ khắp hang cùng ngõ hẻm”, ông Phạm Đình Nguyên hồ hởi.
Thị trường cà phê hòa tan Việt Nam đang là sân chơi của các tên tuổi lớn như Trung Nguyên, Nestlé, Masan với sức đọ nhau trên từng centimet. Và khi Kinh đô tuyên bố sẽ dấn thân vào cuộc chơi này khiến nhiều người không tin về độ khả thi.
Song là người từng gắn bó với Kinh Đô một thời gian, ông Phạm Đình Nguyên vẫn quyết tâm tìm đến Kinh Đô để “trao thân gửi phận”, vì cơ hội cho cả hai là rất lớn.
Ông thừa nhận, thị trường cà phê nói chung, cà phê hòa tan nói riêng cạnh tranh rất khốc liệt giữa các thương hiệu mạnh, nên nếu bản thân Kinh Đô phát triển riêng một thương hiệu cà phê ngay từ đầu sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Còn nếu PhinDeli tự xây cho mình một hệ thống phân phối cũng sẽ rất vất vả.
“Tôi nghĩ, muốn đi nhanh, ta có thể đi một mình. Nhưng muốn đi xa, ta phải đi cùng với bạn”, ông Nguyên chia sẻ.
Hiện PhinDeli chỉ có nhóm sản phẩm cà phê rang xay cao cấp được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ chứng nhận và được bán tại thị trường Mỹ. Sắp tới, Công ty sẽ tung ra nhóm sản phẩm cà phê hòa tan cho cả thị trường Việt Nam và Mỹ.
Kinh Đô sẽ ẵm trọn PhinDeli?
Ông Phạm Đình Nguyên thành lập Công ty PhinDeli vào tháng 4/2013, sau sự kiện gây “rúng động” giới truyền thông trong và ngoài nước với thương vụ mua lại thị trấn Buford thuộc Bang Wyoming (Mỹ) năm 2012 và đổi tên thành “Thị trấn PhinDeli”.
PhinDeli có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyên góp 58%, ông Đỗ Quốc Tuấn (hiện là CEO) góp 14%, còn lại là của một đối tác, đại diện cho một quỹ đầu tư mà ông Nguyên không chia sẻ cụ thể.
Gần 1 năm qua, ông Nguyên đã đổ vào “Thị trấn PhinDeli” khoảng 500.000 USD để biến nơi đây thành tuyên ngôn cà phê trên đất Mỹ, giúp ông thực hiện tham vọng mở cánh cửa thị trường tiêu thụ cà phê rang xay ở Việt Nam có quy mô ước tính đạt hơn 500 triệu USD vào năm 2015 (theo Hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel Comperemedia).
Tại sao PhinDeli lại chọn cà phê rang xay để phát triển trước, thay vì bắt đầu bằng cà phê hòa tan? Vì theo tìm hiểu của ông Nguyên, ngoại trừ công ty đa quốc gia, lịch sử phát triển của các thương hiệu cà phê hòa tan tại Việt Nam như Trung Nguyên, Vinacafe đều có hậu thuẫn từ cà phê rang xay.
Tạm gác lại chuyện vị thế của thương hiệu cà phê này sẽ như thế nào, vì mọi chiến lược vẫn nằm trong vòng bí mật và đó là câu chuyện của tương lai. Tuy nhiên, việc ông Nguyên có trụ được trên thị trường và phát triển cùng với PhinDeli đến giai đoạn đỉnh cao hay không lại được nhiều người quan tâm. Bởi với vai trò là cổ đông chiến lược nắm cổ phần chi phối, khả năng ông Nguyên để Kinh Đô “ẵm trọn” thương hiệu này là rất lớn.
Lúc này, giới kinh doanh lại đặt câu hỏi, liệu ông Nguyên có áp dụng chiêu thức sáng lập, xây dựng thương hiệu rồi bán giống như Lý Quý Trung, CEO Phở 24; Đỗ Anh Tú, CEO Diana; Phan Quốc Công, CEO ICP… đã làm rất thành công?
“Hiện nay, trong đầu tôi, chỉ có một mục tiêu duy nhất là xây dựng thương hiệu PhinDeli, làm rạng danh cà phê Việt. Có thêm bạn đường tâm đắc Kinh Đô, tôi càng tự tin hơn trong quyết định của mình”, ông Nguyên trả lời.
Song là một nhà kinh doanh, nhà đầu tư, thì không gì là không thể, mà lịch sử tên tuổi ông nổi như cồn nhờ vào thương vụ mua bán. Trong đó, ông Trần Lệ Nguyên lại là người tán thành ý định của ông khi muốn tham gia cuộc đấu giá mua thị trấn Buford.
Ngoài ra, ông Phạm Đình Nguyên từng làm Phó giám đốc Công ty cổ phần Hàng gia dụng quốc tế (ICP) của ông Phan Quốc Công. Ông Phạm Đình Nguyên từng chia sẻ, khi làm ở ICP, ông mới biết được mục tiêu là tiêu chí làm việc đầu tiên, sau đó mới đến với phương cách thực hiện, điều mà ông từng tích lũy được khi làm ở các công ty đa quốc gia.
Trước đó, năm 2009, ông Nguyên cùng một đối tác ở phía Bắc thành lập Công ty cổ phần Phân phối dịch vụ tổng hợp (IDS) nay có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. IDS hiện phân phối sản phẩm cho ICP, Công ty TNHH Một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan). IDS cũng giúp ích nhiều cho PhinDeli ở khâu phân phối khi thâm nhập thị trường.
Thế nhưng, đối với cà phê, ông Nguyên cần một hệ thống phân phối hiệu quả ngay tức thời để bảo đảm cho thương hiệu thành công. Đặc biệt, sau khi có sự “nhúng tay” – một dạng thức M&A – của Kinh Đô, ông Nguyên kỳ vọng, PhinDeli sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn thị trường Mỹ, Nhật và Đài Loan.
Anh Hoa – Báo Đầu Tư